Người dân buôn bán dọc hai bên đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Thanh Hóa
Khảo sát thực tế tại một số tuyến tại Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47 trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình của người dân xây dựng trong đất HLATGT, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao. Ngay ở Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Hà Trung, mặc dù đường đã được nâng cấp, sửa chữa nhưng hầu hết nhà dân xây dựng ngay sát đường, nhiều đoạn cua khuất tầm nhìn của lái xe gây mất ATGT. Chị Hoàng Thị Mai, xã Hà Bình (Hà Trung) cho biết: “Ở đây nhà ở sát mép đường, người dân từ trong nhà ra thẳng đường, hay từ những đường ngang ra nên nhiều khi các phương tiện lưu thông không kịp xử lý, gây tai nạn giao thông”. Không chỉ lấn chiếm HLAT đường bộ, thậm chí cả lòng đường để làm nơi buôn bán, họp chợ, như, trên Quốc lộ 47 đoạn qua khu công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) hay trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Thanh Hóa) tình trạng bán hàng trên vỉa hè, dưới lòng lề đường và người dân dừng xe ngay trên lòng đường để mua hàng đã không còn xa lạ đối với người dân khu vục quanh đây. Dù đã được các lực lương chức năng nhắc nhở, tuy nhiên tình trạng trên vẫn xảy ra thường xuyên. Không chỉ vậy, vào ngày mùa, trên nhiều tuyến đường người dân còn biến đường thành “sân phơi” thóc, lúa, rơm rạ, nông sản, hay trở thành bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng...
Nguyên nhân của việc xảy ra tình trạng vi phạm HLATGT là do yếu tố “lịch sử” để lại, các tuyến đường tỉnh chủ yếu được nâng cấp từ đường huyện, đường xã có quy mô thấp, đi qua nhiều khu vực dân cư. Ngoài ra, do tâm lý muốn “cận lộ” để làm ăn, buôn bán của người dân, nên lực lượng chức năng hôm nay dẹp được chỗ này thì mai họ lại chạy sang chỗ khác hoặc lúc có lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý thì họ chấp hành nhưng sau khi lực lượng chức năng đi rồi thì đâu lại vào đó; chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm nhiều tới công tác giải tỏa xử lý vi phạm và giữ gìn bảo vệ HLATGT.
Trước thực trạng đó, để lập lại trật tự HLATGT đường bộ và đường sắt, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và thực hiện. Từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2015 thanh tra giao thông đã phát hiện, xử lý 165 trường hợp vi phạm HLAT đường bộ, 325 trường hợp vi phạm về HLAT đường sắt; đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch lập lại trật tự HLATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020; lập kế hoạch xóa bỏ các điểm đấu nối trái phép vào đường quốc lộ, cắm mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới các quốc lộ trên địa bàn tỉnh, xây dựng hệ thống đường gom, đường tránh đấu nối vào quốc lộ, đường ngang đường sắt, các công trình phụ trợ bảo vệ HLATGT đường bộ, đường sắt...
Để các hành vi vi phạm HLATGT được giải quyết triệt để, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ban, ngành liên quan; nhanh chóng giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm, xây dựng trái phép trong HLATGT, hoàn thiện và bảo vệ hệ thống mốc chỉ giới HLATGT và quản lý tốt HLATGT đã được giải tỏa. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ HLATGT đường bộ, đường sắt, tránh tình trạng tái lấn chiếm HLATGT, có như vậy mới giảm thiểu được tai nạn giao thông.