Tận dụng mạng xã hội kéo giảm tai nạn giao thông

Thứ ba, 01/03/2016 13:04 GMT+7
Trong tháng 2/2016, tai nạn giao thông (TNGT) trên cả nước có diễn biến hết sức phức tạp với số người chết tăng 8,91% (70 người), số người bị thương tăng 5,76% (99 người). Tình hình này khiến nhiều người lo ngại về mục tiêu kéo giảm TNGT, đặc biệt là kéo giảm số người chết vì TNGT. Bên lề cuộc phát động Chung tay vì an toàn giao thông Việt Nam ngày 28/2, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đã làm rõ hơn những băn khoăn này.

- Phóng viên: Tình hình TNGT tháng 2/2016 tăng mạnh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu kéo giảm TNGT trong năm nay, thưa ông?

>> Ông KHUẤT VIỆT HÙNG: Chúng tôi đã phân tích và thấy rằng, TNGT tháng 2-2016 tăng mạnh so với cùng kỳ là bởi vì Tết Nguyên đán năm nay nằm trọn trong tháng 2, trong khi tết Ất Mùi lại nằm trong thống kê của tháng 1-2015 (thống kê về TNGT hàng tháng được tính từ ngày 15 của tháng này đến ngày 16 của tháng sau). Việc TNGT tăng mạnh trong những ngày trước, trong và sau tết là một thực tế, kết quả chung là có chuyển biến nhưng chưa được như mong muốn, số người chết vì TNGT còn quá cao. Đây là một thách thức không nhỏ, có ảnh hưởng đến kết quả chung của cả năm nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm sẽ thực hiện bằng được các mục tiêu giảm cả 3 tiêu chí về TNGT trong năm nay, nhất là giảm số người chết vì TNGT, hướng tới mục tiêu kéo giảm số người chết vì TNGT xuống dưới 5.000 người/năm trong giai đoạn đến 2020.

- Việc thống kê, phân tích các số liệu về TNGT là rất quan trọng trong việc tìm ra các giải pháp kéo giảm TNGT. Thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng con số thống kê về TNGT vẫn còn chênh lệch giữa các cơ quan, ông có thể cho biết sự chênh lệch này do đâu?

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã xảy ra 438 vụ TNGT, làm chết 251 người, bị thương 447 người, hơi khác so với con số ban đầu công bố là xảy ra 418 vụ, làm chết 300 người. Đây là do nhầm lẫn khi cộng các số liệu, chúng tôi đã rà soát và điều chỉnh lại. Về việc chênh nhau giữa số liệu của Bộ Y tế và Bộ Công an, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn xác nhận việc con số thống kê liên quan đến TNGT trong dịp tết là lượt khám chứ không phải số người nhập viện, số người chết vì TNGT cũng có cả người đã nhập viện trước đó. Nếu tính trong khoảng thời gian nhất định, với những tiêu chí chung thì thống kê số người chết, số người bị thương do TNGT của Bộ Y tế và Bộ Công an không khác nhau. Tại cuộc họp mới nhất, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Ủy ban ATGT quốc gia từ nay phải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế, thống nhất các tiêu chí về thống kê để đưa các số liệu về TNGT chính xác hơn.

- Vì sao trong Chương trình phát động Chung tay vì ATGT Việt Nam lần này, Ủy ban ATGT quốc gia lại nhấn mạnh thông điệp “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”?

Ở nhiều nước trên thế giới, họ đã phân tích và thấy rằng, số TNGT do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng điện thoại di động là rất cao, thậm chí còn cao hơn số tai nạn do sử dụng rượu bia. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể hành vi này ở Việt Nam nhưng qua ghi nhận thực tế chúng tôi nhận thấy đây là một hành vi khá phổ biến và nguy hiểm. Vì vậy, trong chiến dịch tuyên truyền sắp tới, chúng tôi muốn kêu gọi những người điều khiển ô tô tại Việt Nam tạo dựng thói quen “Không sử dụng điện thoại khi lái xe” với thông điệp mang ý nghĩa lớn là, không có cuộc gọi, tin nhắn nào quan trọng hơn cuộc sống của bạn.

- Nhìn chung, các giải pháp để kéo giảm TNGT được đưa ra hàng năm về cơ bản là giống nhau, vậy năm nay, có giải pháp nào mới hơn?

Điểm mới chính là bên cạnh các kênh thông tin truyền thống, chúng tôi sẽ tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để phổ biến quy định của pháp luật cũng như truyền đi các thông điệp về ATGT. Chúng tôi vừa công bố chính thức trang fanpage của Ủy ban ATGT quốc gia trên Facebook. Sau 1 năm hoạt động thử nghiệm, tôi khẳng định, sự quan tâm và ứng xử của cộng đồng trên mạng với fanpage của cơ quan nhà nước là rất tốt. Trong vòng 1 năm công bố không rộng rãi, chúng tôi có khoảng 4.000 người like (thích) trang này, nhận được 500.000 ý kiến, trong đó, tất cả đều liên quan về ATGT, từ tai nạn, biển báo, ý thức thái độ của người tham gia giao thông và của các lực lượng chức năng. Đặc biệt, đã có nhiều thông tin về các tấm gương tốt trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, giúp đỡ người bị TNGT.

Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến gợi ý, đề xuất các giải pháp bảo đảm ATGT. Điều đáng mừng nữa là, chỉ sau hơn 1 ngày công bố chính thức trang fanpage, số người like trang này đã tăng từ hơn 4.000 người lên tới hơn 15.583 người... đến thời điểm này con số đã tăng lên rất nhiều, chứng tỏ sự quan tâm lớn của người dân về vấn đề ATGT. Hiện Ủy ban ATGT quốc gia đã phân công các chuyên viên mỗi ngày 2 lần tổng hợp các thông tin của người dân đưa đến để báo cáo lãnh đạo. Những thông tin này sẽ được gửi đến các cơ quan liên quan bằng các văn bản chính thức của Ủy ban ATGT quốc gia. Với những thông tin quan trọng, lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia sẽ ký các văn bản đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét, xử lý.

- Cảm ơn ông!
 

Nguồn: Báo SGGP

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)