Trong văn bản mới này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã điều chỉnh các hình thức xử lý kỷ luật nhà trường, cán bộ giáo viên, học sinh khi vi phạm an toàn giao thông.
Đối với các đơn vị trường học để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.
Đối cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, căn cứ mức độ và số lần vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật công chức hiện hành và quy định của ngành.
Riêng đối với học sinh, căn cứ mức độ và số lần vi phạm, học sinh sẽ bị xử lý về hạnh kiểm, kỷ luật theo quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đánh giá xếp loại học sinh và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.
Trước đó, trong quy định xử lý, kỷ luật học sinh, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội quy định, đối với học sinh vi phạm lần 1, sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết.
Học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, sẽ hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú.
Học sinh đã được giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông nhưng vẫn tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ và buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục, răn đe.
Trước những quy định này, dư luận phản ứng và cho rằng mức kỷ luật của ngành giáo dục là quá nặng đối với học sinh. Bởi vậy, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về thực hiện phong trào thi đua đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020.
Theo thông báo thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã điều chỉnh các nội dung về kỷ luật vi phạm học sinh./.