Nguy cơ từ đường ngang trái phép
Chạy xe trên QL1A dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa phận các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, không khó để nhận thấy những điểm đường ngang dân sinh mở trái phép. Điển hình như tại khu phố Ga (Thường Tín), dọc tuyến đường sắt dài hàng trăm mét nhưng hiện không có rào chắn. Nhà dân nằm sát đường ray. Người dân tự ý trưng dụng diện tích ven đường tàu làm điểm rửa ô tô, xe gắn máy; dừng dỗ phương tiện để trao đổi hàng hóa... Tương tự, tại tiểu khu Phú Mỹ (Phú Xuyên), chỉ hơn 100m nhưng có gần chục đường ngang dân sinh mở trái phép…
Đường ngang dân sinh trái phép trên QL1A.
Theo khảo sát của phóng viên, dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa phận Hà Nội hiện có hàng trăm đường ngang dân sinh được mở trái phép. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh những lối đi dân sinh do người dân tự ý mở, nhiều hộ gia đình bày tỏ lo ngại về nguy cơ TNGT khi sống ven đường ray không có rào chắn. Chủ cơ sở sản xuất lưới lồng Triều Thương (khu phố Ga, Thường Tín) cho biết, gia đình đã sống ven đường ray hàng chục năm. Bên cạnh ảnh hưởng của tiếng ồn, việc dọc tuyến chưa được lắp đặt rào chắn khiến nhiều gia đình hết sức lo lắng mỗi khi có tàu qua lại.
Ý thức người dân là quan trọng
Những năm qua, TP đã đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn trên lộ trình đường sắt Bắc – Nam. Người dân dọc phố Nghệ, xã Minh Cường (Thường Tín) từ lâu đã quen thuộc với lối đi đường gom để ra, vào QL1A. Hàng loạt trạm gác chắn có đèn tín hiệu cũng đã được lắp đặt, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. Tuy nhiên, nỗi lo tai nạn chưa phải đã hết mà một trong những nguyên nhân phải kể tới nữa là sự bất cẩn, chủ quan của người điều khiển phương tiện. Báo cáo tổng kết năm 2015 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, khoảng 80% số vụ tai nạn đường sắt có nguyên nhân từ sự bất cẩn, thiếu tôn trọng Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người điều khiển phương tiện.
Theo anh Ngô Xuân Trường – nhân viên Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 1 (Sở GTVT Hà Nội), làm việc tại điểm cảnh giới đường ngang tại Km24, Công ty được giao phụ trách 11 điểm cảnh giới, hoạt động từ 5 - 21 giờ hàng ngày. Ngoài khoảng thời gian này, người điều khiển phương tiện phải hết sức chú ý để tránh tai nạn. Anh Trường dẫn chứng, vụ tai nạn xe tải xảy ra vào rạng sáng 24/12/2015 là một ví dụ điển hình, khi tài xế bất cẩn, thiếu quan sát khi qua đường ray…
Ông Lê Tuấn Tú – Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín – địa phương có tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua dài nhất cho biết, công tác đảm bảo an toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam được huyện đặc biệt quan tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng ngăn chặn việc mở lối đi dân sinh qua đường ngang. Đối với các điểm đường ngang không an toàn, huyện lập báo cáo đề xuất Sở GTVT lắp đặt rào chắn hoặc hệ thống cảnh báo.
Theo Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam, đến năm 2020, tốc độ trung bình của tàu khách có thể đạt 80 – 90km/giờ, tàu hàng từ 50 – 60km/giờ. Năng lực thông quan trên 25 đôi tàu/ngày, đêm. Để đảm bảo an toàn trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, cùng với nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, kiến nghị Sở GTVT Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, kéo dài hệ thống rào chắn, đường gom; quản lý chặt chẽ việc mở đường ngang dân sinh. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang đường sắt nhằm đảm bảo an toàn cho lộ trình quan trọng này.