Theo ông Hùng, trong 6 tháng đầu năm 2016, Ủy ban ATGT Quốc gia đã chủ trì nghiên cứu về TNGT đối với trẻ em trên địa bàn TP. HCM, trong đó, TNGT giảm liên tục qua các năm nhưng TNGT với đối tượng học sinh lại tăng rất đều và cao.
Cụ thể, năm 2013 có 35 cháu tử vong/775 người; năm 2014 con số này là 61/702 người tử vong và năm 2015 toàn TP. HCM có 692 người chết vì TNGT thì có tới 111 trẻ em.
“70% số cháu tử vong TNGT là học sinh cấp 3; số học sinh bị tử vong do tự điều khiển phương tiện xe đạp điện, xe máy chiếm tới 80%,” ông Hùng thông tin.
Các em thí sinh tham dự vòng chung kết cuộc thi "Giao thông học đường" lần thứ 1 tại Hà Nội sáng 29/5
Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, học sinh hiện nay tiếp cận và sử dụng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện rất sớm, thậm chí nhiều gia đình mua cả môtô phân khối lớn trong khi học sinh dưới 18 tuổi chưa được phép thi và cấp giấy phép lái xe. Do không có bằng lái, trực tiếp điều khiển phương tiện dù có chạy xe đạp điện, xe máy điện nhưng với tốc độ từ 20-40km/giờ thì nguy cơ tử vong TNGT là rất cao với đối tượng này.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng chỉ ra bất cập hiện nay tại các nhà trường chưa có chương trình đào tạo chính quy pháp luật và thực hành về đảm bảo an toàn giao thông đối với các em mà chỉ có giáo trình lý thuyết.
Do đó, cuộc thi "Giao thông học đường" toàn quốc được tổ chức sẽ là dịp để tuyên truyền về kiến thức giao thông tới các em học sinh, đặc biệt là các em thuộc cấp học THCS và THPT.
Cuộc thi “Giao thông học đường” toàn quốc lần 1 năm học 2015-2016 là lần đầu tiên do Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egame tổ chức nhưng đã thu hút được gần 200.000 thí sinh tham dự. Sáng 29/5, 41 thí sinh cuối cùng đến từ 39 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tham gia dự thi Vòng chung kết tại Hà Nội.