Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng CSGT kiểm tra công tác đo nồng độ cồn.
Nhiều trường hợp phạt hết khung
Đúng 19 giờ ngày 16/8, Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng đồng loạt ra quân xử lý nồng độ cồn tại 6 điểm trên địa bàn thành phố (2 điểm nội thành do Đội tuần tra dẫn đoàn và Đội điều khiển tín hiệu giao thông thực hiện và 4 điểm do các trạm CSGT cửa ô Hòa Hải, Hòa Phước, Hòa Nhơn và Hòa Hiệp thực hiện). Lực lượng CSGT được trang bị đầy đủ phương tiện như máy đo nồng độ cồn (2 máy/tổ), máy ảnh, camera, xe chuyên dụng… và có sự hỗ trợ của các lực lượng Cảnh sát 113, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Hình sự, Công an phường, lực lượng dân phòng và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đóng tại Đà Nẵng.
Ghi nhận tại chốt đo nồng độ cồn do Đội Tuần tra dẫn đoàn thực hiện trước khu vực Đài tưởng niệm thành phố, lực lượng phối hợp làm việc rất chuyên nghiệp. Tổ được Đại úy Nguyễn Huy Hoàng, Phó Đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn làm Tổ trưởng có sự phân công chi tiết từng cán bộ làm nhiệm vụ cụ thể, tránh chồng chéo trong mỗi nhiệm vụ dừng xe, đo nồng độ, ghi biên bản, giải thích cho người điều khiển phương tiện biết về quá trình vi phạm và tuyên truyền, nhắc nhở…
Nhiều trường hợp khi ngậm ống thổi đã cho thấy vượt nồng độ quy định. Điển hình như anh Trần Cao Thanh S. (SN 1981, trú quận Sơn Trà), điều khiển xe máy BKS 43E1-287..., khi thổi, máy báo 0,549mg/lít khí thở. Anh Hồ Văn T. (SN 1967, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), điều khiển xe máy BKS 43H3-78.., vượt 0,54mg/lít khí thở. Đặc biệt, lúc 20 giờ 10, chúng tôi có mặt tại tổ xử lý nồng độ cồn thuộc Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), ghi nhận có nhiều trường hợp vi phạm và bị xử phạt ở mức hết khung, đó là trường hợp của anh Huỳnh C. (trú Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - lái ô-tô con BKS 92A-037-.., vượt 0,526mg/lít khí thở.
Trong khi đó, Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng CSGT Công an thành phố cho biết, chiếu theo Nghị định 46 của Chính phủ thì nếu vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị xử phạt ở mức từ 16-18 triệu đồng (đối với lái ô-tô), tước GPLX 4 - 6 tháng; phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3 - 5 tháng đối với người điều khiển mô-tô.
Chống đối, viện lý do…
“Từ trước đến nay, việc xử lý nồng độ cồn luôn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, khi rượu bia vào, đặc biệt là những người uống quá nhiều, không làm chủ được hành vi thường gây rối, không hợp tác. Vì vậy, những người làm nhiệm vụ phải có kinh nghiệm, đồng thời rất bình tĩnh để xử lý. Trước khi đi thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Phòng CSGT luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải khôn khéo để giải thích; đồng thời phải cứng rắn, không khoan nhượng bởi rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra những vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm trong thời gian qua”, Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố cho biết.
Xác định là vậy, nhưng khi ra thực tế, nhiều cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ vẫn không tránh khỏi bất ngờ với một số trường hợp. Khoảng hơn 19 giờ 30 đêm 16/8, phát hiện một thanh niên có biểu hiện uống rượu bia, tổ xử lý nồng độ cồn trước Đài Tưởng niệm thành phố đã ra tín hiệu dừng xe. Người thanh niên tên Chu Mạnh Q. (SN 1979, trú Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) – điều khiển xe máy BKS 38N4-05… dừng xe, đưa giấy tờ để lực lượng chức năng kiểm tra. Tuy nhiên, khi CSGT yêu cầu Q. thổi vào máy để đo nồng độ cồn thì Q. không chấp hành mà bỏ xe lại rồi sau đó rời đi, buộc lực lượng phải tạm giữ giấy tờ, đưa phương tiện về bãi giữ xe Công an thành phố.
Một trường hợp đặc biệt khác là ông Võ Đức V. (SN 1954, trú phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) – điều khiển xe máy BKS 43N1- 66… Sau khi được CSGT cửa ô Trạm Hòa Phước dừng đo nồng độ cồn thì ông V. vượt đến 0,612mg/lít khí thở, mức xử phạt đến 3,5 triệu đồng. Mặc dù đã ký vào biên bản vi phạm, nhưng ông V. vẫn “làm khó” lực lượng. “Tôi chấp hành luật, nhưng các anh phải tạo điều kiện để cho vợ tôi lấy lại xe máy để về quê. Ở nhà tôi có con nhỏ, hơn nữa nếu chúng tôi ở đây thì trộm nó vào lấy hết tài sản của chúng tôi thì ai chịu trách nhiệm…”, ông V. nói. Cán bộ làm nhiệm vụ giải thích gần một giờ đồng hồ nhưng ông V. vẫn không chấp hành mà luôn to tiếng cự cãi. Để bảo đảm an toàn tính mạng và khỏi bị “làm phiền”, tổ làm nhiệm vụ phải đón ô-tô cho hai vợ chồng ông V. về quê…
Thượng tá Lê Văn Lực cho biết, ngày đầu ra quân, lực lượng CSGT Đà Nẵng không đứng chốt tại các điểm nhà hàng, quán nhậu như kế hoạch ban đầu, bởi trông rất phản cảm. Vì vậy, lực lượng CSGT thành phố chọn những địa điểm thuận lợi, có không gian để dễ dàng thực hiện công tác đón, đo và giữ phương tiện. “Đo nồng độ cồn không thể làm hàng loạt bởi rất nhạy cảm, phức tạp, phải làm từng trường hợp. Quá trình làm việc thì cán bộ vừa xử lý vừa nhắc nhở tuyên truyền, mục đích là nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông về hành vi uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông là rất nguy hiểm, để từ đó họ còn tuyên truyền lại cho những người khác, có như vậy mới hiệu quả”, Thượng tá Lê Văn Lực chia sẻ.
Một ngày, xử lý 36 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Theo Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng, trong ngày đầu tiên ra quân thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông (từ 13 giờ ngày 16/8 đến 13 giờ ngày 17/8), lực lượng CSGT đã xử lý 36 trường hợp (11 ô tô và 25 mô tô) vi phạm về nồng độ cồn trong tổng số 212 trường hợp vi phạm (134 mô tô, 2 ô tô khách, 5 xe đầu kéo, 4 xe tải ben, 35 ô tô con và 32 ô tô tải khác).
Cũng trong ngày đầu tiên, lực lượng CSGT ra quyết định xử phạt 245 trường hợp, chuyển Kho bạc Nhà nước hơn 140 triệu đồng, tạm giữ 13 ô tô, 28 mô tô, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đối với 23 trường hợp.
|