Vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 11 hằng năm, thế giới tổ chức Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT - một vấn đề xã hội rất được quan tâm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, số người tử vong vì TNGT trên toàn cầu mỗi năm hơn 1,2 triệu người, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế thế giới, cho mỗi quốc gia, gia đình nạn nhân và để lại nỗi đau mất mát không dễ gì bù đắp.
Ngày tưởng niệm là ngày đặc biệt đối với những gia đình có người thân tử vong vì TNGT ở các quốc gia, là một dịp để chúng ta nhìn nhận lại ý thức, hành động của mình khi tham gia giao thông, các chính phủ cần thêm nỗ lực, hành động để giảm số vụ và số người tử vong vì TNGT.
Một góc phố ở Monaco (ảnh: autoEvolution)
Điều đáng nói, có đến 90% số vụ TNGT đường bộ xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Còn những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì TNGT thấp là ở các quốc gia phát triển, nơi có hệ thống giao thông hiện đại, an toàn và hiệu quả, luật giao thông nghiêm khắc. Bên cạnh đó là ý thức của người tham gia giao thông.
Monaco - quốc gia nổi tiếng với cuộc đua ô tô Công thức 1, Grandpix tầm cỡ hành tinh, thống kê dựa trên tỷ lệ tử vong do tai nạn trên 100.000 người dân thì Monaco không ghi nhận một trường hợp tử vong nào. Thuộc khu vực Tây Âu và là quốc gia nhỏ thứ hai thế giới, sau Vatican với tổng diện tích là 1,98km2, dân số khoảng 40 nghìn người, Công quốc Monaco kiểm soát rất chặt chẽ hoạt động giao thông. Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng tiêu chuẩn cao, phân làn đường rõ ràng và gần như đảm bảo tuyệt đối cho cả người đi bộ, xe đạp, xe máy và ô tô.
Monaco rất nghiêm khắc trong việc xử phạt các tài xế có nồng độ còn quá mức cho phép và những người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tốc độ tối đa trong đô thị ở Monaco là 70km/h. Nhưng một phần không kém quan trọng giúp Monaco trở thành quốc gia an toàn trong giao thông là nhờ vào dân số ít, kéo theo lượng xe đăng ký và hoạt động trên đường ở Monaco không nhiều.
Theo trang web tập bản đồ thế giới worldatlas.com, bên cạnh Tây Ban Nha, Singapore, Australia, Luxembourg, thì Nhật Bản - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nối tiếng với ý thức của người tham gia giao thông. Đây là những quốc gia được xếp vào danh sách những quốc gia ít xảy ra TNGT nhất thế giới và số người tử vong vì TNGT chỉ ở mức 5 - 6/100.000 người mỗi năm.
Tương tự, Thụy Điển nổi tiếng an toàn giao thông với 3/100.000 dân mỗi năm, so với 5,5 người toàn liên minh châu Âu, 11,4 ở Mỹ và ở Việt Nam là 10,4/100.000 dân. Góp phần thành công trong việc giảm số vụ và người chết do TNGT phải kế đến bộ luật “Vision Zero” (Tầm nhìn về không) được Quốc hội Thụy Điển thông qua và ban hành vào năm 1997, mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn các ca tử vong và chấn thương nặng do TNGT gây ra. Ngoài việc thực thi hiệu quả và nghiêm ngặt luật lệ giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông của người dân, Thụy Điển còn quan tâm tới phát triển công nghệ về an toàn giao thông. Một trong những thiết kế hạ tầng nổi bật trên đường phố đô thị nước này là làn đường dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy và ô tô đều có các thanh chắn ngăn biệt lập nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia thông theo từng phương tiện giao thông.