Giao thông thông suốt, an toàn
Một trong những điểm đáng chú ý của kế hoạch phục vụ này đó là phải đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt và an toàn. Đó là lý do các Khu Quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT) và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn được yêu cầu tăng cường kiểm tra hệ thống đường bộ, xác định những đoạn đường hư hỏng, lún sụp, ổ gà, những đoạn ngập nước… không đảm bảo an toàn giao thông để kịp thời duy tu, sửa chữa. Đẩy mạnh kiểm tra, duy tu hệ thống biển báo, vạch sơn đường, dải phân cách, đặc biệt trên các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố như Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn…
Cũng được chú ý kiểm tra chất lượng là các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi đường bộ, trong khi các hầm kỹ thuật (điện lực, viễn thông, thoát nước…) và đồng hồ cấp nước gây mất an toàn giao thông dưới lòng đường lẫn trên vỉa hè sẽ được lực lượng chức năng tập trung kiểm tra.
Các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng vốn tập trung nhiều tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, quận 12… sẽ được chú trọng tổ chức trực gác.
Nhu cầu đi lại dịp cuối năm tại TPHCM sẽ được đáp ứng chu đáo. Ảnh: Hành khách đi xe tại Bến xe miền Đông.
Đối với công tác tổ chức phân luồng giao thông, các đơn vị liên quan trực thuộc Sở GTVT được yêu cầu tập trung điều tiết giao thông tại các trọng điểm giao thông như tại khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, ga xe lửa, các bến xe khách liên tỉnh, các tuyến đường trục chính kết nối với các cửa ngõ ra vào thành phố hoặc kết nối với các tụ điểm thu hút đông người như các khu lễ hội, khu vui chơi, chợ đầu mối, các bến phà… Sở GTVT chỉ đạo các phòng ban trực thuộc liên quan phối hợp với đơn vị chủ quản Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, Bến xe An Sương… để bố trí hợp lý các vị trí đỗ xe và điều tiết giao thông trước và trong khu vực bến xe trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Các công trình đào đường để lắp đặt những hạng mục hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố sẽ phải tạm ngưng thi công từ ngày 31/12/2016 cho đến hết ngày 1/1/2017 để phục vụ Tết Dương lịch và tạm ngưng thi công từ ngày 20/1/2017 đến hết ngày 4/2/2017, tức là từ ngày 23 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 8 Tết Đinh Dậu để phục vụ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Riêng các công trình đăng ký tồn tại rào chắn trong dịp Tết Đinh Dậu, các chủ đầu tư được yêu cầu phải lập kế hoạch cụ thể.
Chú trọng mỹ quan đô thị
Vấn đề góp phần làm đẹp bộ mặt thành phố cũng được ngành GTVT thành phố quan tâm. Đó là lý do Sở GTVT yêu cầu các phòng ban liên quan trực thuộc tăng cường hoa kiểng tại một số khu vực trung tâm, tăng cường dọn dẹp vệ sinh, cắt cỏ hầu góp phần đảm bảo mỹ quan trong những ngày đầu năm 2017 và những ngày xuân Đinh Dậu. Các địa chỉ sẽ được tăng cường hoa kiểng bao gồm tuyến đường dẫn từ cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố, tuyến xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt, mảng xanh ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…
Ngoài ra là một loạt yêu cầu khác như cải tạo, chỉnh trang hoa kiểng tại vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ; cải tạo bồn kiểng khu vực cột cờ Thủ Ngữ trên địa bàn Quận 1; thay hoa tại bồn hoa trong các công viên, trong đó chú ý sử dụng các chủng loại hoa có màu sắc đẹp, tươi sáng để tăng cường cảnh quan mỹ thuật trong 2 dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; phát cỏ tại khu đất dự trữ giao thông dọc xa lộ Hà Nội; hoàn tất cảnh quan mảng xanh dạ cầu vượt Củ Chi.
Các Khu QLGTĐT và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn được yêu cầu chú ý tuần tra để bảo vệ và phát hiện kịp thời những cây chết khô, sâu bệnh, mục gốc để kịp thời đốn hạ, thay thế nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong việc chiếu sáng, lực lượng chuyên trách sẽ tổ chức kiểm tra, thay thế kịp thời các bóng đèn chiếu sáng công cộng bị hư hỏng cũng như tăng cường chiếu sáng cho các khu vui chơi và trang trí lễ hội tại một số khu vực trong thành phố như Lễ hội chào đón năm mới tại khu vực trung tâm thành phố, Hội Hoa xuân tại khu vực Công viên Tao Đàn, chợ Hoa Tết tại khu vực Công viên Lê Văn Tám, Đường hoa, khu vực Hồ Con Rùa, Công trường Quốc tế, Công viên Gia Định…
Trong khi đó, đối với các tuyến đường có tắt đèn để tiết kiệm điện theo chỉ đạo, các Khu QLGTĐT và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn được yêu cầu phục hồi và chỉ thực hiện tắt đèn tiết kiệm sau khi kết thúc lễ hội.
Đáp ứng đủ xe vận tải hành khách
Trong lãnh vực vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ, ngành chức năng xác định thời gian phục vụ vào dịp Tết Dương lịch sẽ kéo dài 3 ngày, từ ngày 31/12/2016 đến hết ngày 2/1/2017, tuy vậy lượng khách đi lại có thể tăng từ chiều ngày 29/12/2016. Dự báo lượng khách đi lại trên các tuyến từ Bình Định và các tỉnh cao nguyên trở vào, đặc biệt các tuyến đến các trung tâm du lịch, sẽ tăng so với ngày thường trong khi vận tải khách nội hạt, lượng khách đến các khu vui chơi, hội chợ và đến các bến xe khách liên tỉnh dự kiến tăng.
Trong khi đó, dịp phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu sẽ kéo dài 7 ngày, từ ngày 26/1/2017 đến hết ngày 1/2/2017, tức là từ 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết mùng 5 Tết Đinh Dậu. Tuy vậy, do có một số đối tượng hành khách có nhu cầu đi sớm hơn nên có thể tăng từ ngày 12/1/2017 tức từ ngày 15 tháng Chạp. Dự báo đợt phục vụ Tết nguyên đán năm nay lượng hành khách có thể tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước tại Bến xe miền Đông, trong đó ngày cao điểm, lượt khách xuất bến có thể đạt trên 120.000 lượt khách/ngày và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016 tại Bến xe miền Tây. Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQL-ĐHVTHKCC) trực thuộc Sở GTVT được yêu cầu lập kế hoạch dự phòng điều động xe buýt ứng phó tình hình biến động, tham gia giải tỏa khách tại các bến xe.
Trong việc phục vụ vận tải hành khách nội hạt, TTQL-ĐHVTHKCC có nhiệm vụ lập kế hoạch điều chỉnh biểu đồ chạy xe trên các tuyến, khắc phục tình trạng ùn khách, quá tải tại một số tuyến, nhất là các tuyến đến khu vui chơi, hội chợ, các bến xe khách.
Các đơn vị vận tải xe buýt phải tiến hành vệ sinh xe buýt cũng như đảm bảo đủ số lượng xe phục vụ theo kế hoạch của TTQL-ĐHVTHKCC và cùng chủ xe thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe trước khi đưa xe ra hoạt động.