Đón, trả khách trái phép vẫn còn
Tại đầu hầm vượt sông Sài Gòn, đoạn đường Võ Văn Kiệt - Phó Đức Chính (Quận 1), tình trạng đón, trả khách của các hãng xe như Kumho Samco, Thiên Phú, Toàn Thắng, Hoa Mai (chạy tuyến Vũng Tàu - TP HCM)… vẫn diễn ra công khai, đặc biệt vào giờ cao điểm sáng chiều. Tại nút giao này lực lượng xe ôm luôn túc trực sẵn để chèo kéo khách mỗi khi xuống xe, gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Phía bên kia đường hầm, tại đường Mai Chí Thọ (khu vực Quận 2), tình trạng các nhà xe này dừng, đậu để đón, trả khách cũng diễn ra hàng ngày, trong khi đường Mai Chí Thọ đã được Sở GTVT TP cắm biển cấm từ đầu năm 2016 đối với xe ô tô trên 9 chỗ theo 2 khung giờ trong ngày từ 6 giờ - 10 giờ sáng và từ 14 giờ chiều đến 20 giờ tối.
Theo Đội Thanh tra giao thông số 5 (Sở GTVT TP), vừa qua đội đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt đối với 3 bãi xe (đều thuộc khu vực quận 2) với lỗi vi phạm “tổ chức hoạt động khai thác bãi đỗ xe khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định”, gồm Công ty TNHH Vận tải Huỳnh Phương Vân; Công ty TNHH Giao nhận vận tải Phan Lê và Công ty TNHH MTV Giao nhận vận tải Huy Hoàn. Đội Thanh tra giao thông số 5 đã giao lại cho chính quyền địa phương quản lý.
Mới đây, Đoàn liên ngành TPHCM đã kiểm tra và xử lý các điểm đón, trả khách trên địa bàn. Cụ thể, Đoàn liên ngành phát hiện 3 điểm (vừa phát sinh đầu năm 2017) hoạt động vận tải hành khách không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Sau đó, UBND Quận 6 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chấm dứt hoạt động vận tải hành khách cho đến khi có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định. Ngoài ra, Đoàn liên ngành cũng lập biên bản xử phạt đối với 1 hộ kinh doanh vì hoạt động kinh doanh vận tải mà chưa có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM cho biết, hiện trên địa bàn TP có 86 điểm hoạt động đón, trả khách. Về pháp lý hoạt động, 86/86 điểm có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thế nhưng chỉ có 82/86 điểm có giấy phép kinh doanh vận tải, 4 điểm chưa cung cấp được giấy phép kinh doanh thuộc địa bàn quận 6 và quận Tân Phú. Đáng chú ý, trong hoạt động đón, trả khách có 44/86 điểm không đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Cũng trong quá trình kiểm tra và xử lý hoạt động các điểm đón, trả khách, cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản 6 vụ vi phạm về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải và xe dừng, đỗ không đúng quy định. Ông Lê Hồng Việt đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải không được để các phương tiện dừng, đỗ trên các tuyến đường có biển cấm dừng, đỗ; phải tổ chức đón, trả khách theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
|
Tình trạng bến cóc, xe dù vẫn còn tồn tại trên địa bàn TPHCM |
Kiên quyết dẹp bỏ
Theo ông Lê Hoàng Nam, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 5 cho biết: Muốn xóa bỏ nạn bến cóc, xe dù, các cấp, ngành liên quan đều phải vào cuộc; trong đó, vai trò của chính quyền địa phương là then chốt. Cũng theo đại diện của UBND Quận 5, TP nên bỏ xe trung chuyển, bởi nhiều đơn vị vận tải xin lập bến trung chuyển nhưng thực chất là nơi để làm nơi đón, trả khách.
Cũng theo kiến nghị của Đoàn liên ngành TP HCM, Chính phủ, Bộ GTVT cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh còn bất cập, nhất là vấn đề về quản lý xe hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch. Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT xem xét, đề ra tiêu chí cụ thể về bến cóc, xe dù; tránh tình trạng như hiện nay khi các điểm kinh doanh vận tải có phương tiện dừng, đỗ, lên xuống khách thì xem là bến cóc, hay quy mô lớn hơn xem là bến lậu, gây hiểu lầm trong dư luận xã hội.
Theo đề xuất của ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP HCM, cần tiến hành lắp camera ở 86 điểm có hoạt động đón, trả khách trên. Và chỉ cấp một phù hiệu cho mỗi xe khách, cụ thể, xe tuyến cố định không cấp thêm phù hiệu xe hợp đồng và ngược lại. Để xử lý dứt điểm tình trạng bến cóc, xe dù, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, yêu cầu lực lượng Thanh tra giao thông sở và các đơn vị liên quan, từ nay đến hết tháng 2 tiếp tục đến các quận, huyện (có các điểm hoạt động kinh doanh đón, trả khách) kiểm tra và xử phạt nếu phát hiện sai phạm tại các đơn vị kinh doanh vận tải.
Mặt khác, các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn TP HCM cần tổ chức giám sát các điểm chưa có đầy đủ pháp lý hoạt động, các điểm tạm ngưng hoạt động cho đến khi bổ sung đầy đủ các điều kiện, pháp lý theo quy định hoặc xử lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung xử lý các xe tuyến cố định chạy sai hành trình vận tải và các xe dừng đỗ, đón trả khách sai quy định trên các khu vực, tuyến đường đã lắp đặt biển cấm để lập lại trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.