Việc đẩy lùi TNGT là trách nhiệm và nghĩa vụ không của riêng ai. Để kiềm chế vi phạm, TNGT trong thời gian tới, chúng ta nên làm những gì? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an: Bổ sung nội dung đào tạo đạo đức lái xe, chấm dứt tình trạng bằng thật nhưng chất lượng “giả”
Để kiềm chế vi phạm, TNGT, cùng với công tác tuyên truyền, tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT…, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động vận tải, nhất là vận tải bằng ôtô và vận tải hành khách.
Rà soát tất cả các trung tâm đào tạo lái xe, kiên quyết xử lý, kể cả thu hồi giấy phép các trung tâm đào tạo không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, các trung tâm đào tạo có tỷ lệ lái xe vi phạm cao.
Bổ sung nội dung đào tạo đạo đức lái xe, thực hành nâng cao kỹ năng tay lái; phải học tập trung về luật giao thông, đảm bảo chất lượng; học thật, thi thật, chấm dứt tình trạng bằng thật, nhưng chất lượng “giả”; thực hiện các biện pháp quản lý lái xe sau sát hạch. Nâng cao chất lượng công tác kiểm định tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện; kiên quyết không cho phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn tham gia giao thông.
UBND các cấp thực hiện nghiêm túc việc lập lại hành lang ATGT đường bộ. Quản lý hành lang ATGT đường bộ và hè đường phố; không được cấp đất, cho phép kinh doanh, buôn bán, nơi để xe vi phạm hành lang ATGT và chiếm dụng trái phép hè phố; trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT.
Ông Vũ Duy Bôn, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương: Cần phát huy hiệu quả hình thức “phạt nguội”
Việc xử lý các vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường, nhất là các tuyến đường trọng điểm, “nóng” về vi phạm, TNGT hay còn gọi là “phạt nguội” là rất cần thiết đối với thực tế tại nhiều địa bàn hiện nay. Bởi, thông qua hình thức “phạt nguội” này, sẽ góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, tạo sức răn đe các vi phạm, hạn chế tình trạng tài xế chấp hành Luật Giao thông theo kiểu... đối phó.
Nghĩa là khi thấy lực lượng chức năng thì chấp hành quy định về TTATGT, khi không thấy là vi phạm. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả hình thức “phạt nguội”, bên cạnh việc hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc thực hiện quy định về chuyển quyền sở hữu phương tiện của chủ các phương tiện.
Cùng với đó, cũng cần nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ, tránh hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá trình xử lý vi phạm.
Thượng tá Hồ Quốc Văn, Phó trưởng Phòng CSGT – Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế: Tăng cường phối hợp với Cục Đăng kiểm trong việc xử lý, răn đe vi phạm
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện bị lập biên bản xử lý vi phạm không đến cơ quan chức năng làm việc, nộp phạt theo lịch hẹn, Phòng CSGT – Công an tỉnh đều gửi công văn đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) dừng kiểm định đối với các phương tiện trước đó vi phạm, chủ xe không tới làm việc, nộp phạt theo đúng quy định (căn cứ theo Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ).
Việc gửi công văn đề nghị này vừa góp phần hạn chế các trường hợp bị tạm giữ giấy tờ xe một nơi rồi báo mất và làm lại ở một nơi, vừa nâng cao hiệu quả xử lý, răn đe đối với các trường hợp vi phạm, nhất là đối với hình thức xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát bằng hình ảnh.
Bà Vũ Thị Điểm, 73 tuổi, phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh (Hải Dương): Mọi người hãy ý thức làm chủ mình, tai nạn giao thông ác nghiệt lắm!
Năm 2015, TNGT đã cướp đi hai người con và một người cháu của chúng tôi. TNGT là điều không ai mong muốn xảy ra cả. Nhưng, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi có một chia sẻ thế này, đó là mỗi người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông.
Bởi với TNGT, tuy ta không nhìn thấy trước, không đoán được nó xảy ra vào lúc nào, nhưng mọi người hãy có ý thức làm chủ mình, chứ nếu không, chỉ một chút bất cẩn, chủ quan khi lái xe sẽ rất dễ gây ra tai họa cho người xung quanh, thậm chí là cho chính bản thân mình. Hôm Tòa án xét xử tài xế gây ra vụ tai nạn cho các con, cháu tôi, tôi cũng đã nói như vậy với tài xế, đồng thời đề nghị Tòa xem xét, giảm nhẹ tội danh cho anh tài xế.
Anh Trần Văn Trung, lái xe khách mang BKS 38B – 01066, chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội: Nghiệp lái xe còn dài, chớ một phút chủ quan mà mất tất cả
Đến nay, tôi đã cầm vô lăng xe khách được 16 năm. 16 năm không phải là ngắn, song cũng không phải là dài đối với nghiệp lái xe. Có thời điểm, vì đi cho kịp chuyến, nên tôi cũng đã phóng nhanh, vượt ẩu. Nhưng giờ, nghĩ lại, tôi thấy mình sai lầm khi đã có lỗi vi phạm trên. Vì nếu tai nạn xảy ra lúc ấy, thì hậu quả thật khó lường đối với hành khách trên xe. Giờ tôi không còn có suy nghĩ như vậy nữa, chậm mà chắc, còn hơn nhanh mà mất tất cả.
Nhân đây, tôi cũng gửi tới các tài xế xe khách nói riêng và người cầm vô lăng nói chung, hãy nhớ tới câu nói: “phía trước tay lái là sự sống”, “phía trước tay lái là gia đình, người thân”.
Tại lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2017 diễn ra ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã nhấn mạnh, mục tiêu của Năm An toàn giao thông 2017 là giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT so với năm 2016. Đồng thời đề nghị các bộ, cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia và các tỉnh, thành khẩn trương quán triệt và tổ chức triển khai có hiệu quả Năm An toàn giao thông 2017 và các năm tiếp theo; trong đó cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông; gắn kết quả công tác bảo đảm ATGT với trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, đơn vị.