797 - tham vọng lớn của Boeing về một chiếc máy bay thân rộng giá rẻ, tầm bay xa, cạnh tranh tốt

Thứ hai, 20/03/2017 07:30 GMT+7

Sau 787 Dreamliner sẽ là 797, Boeing đang rất nghiêm túc với dự án này, mọi thứ vẫn còn nằm trên giấy nhưng hãng sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ tin rằng hoạt động phát triển sẽ sớm được bật đèn xanh vào năm tới và chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2025.

Boeing định hình 797 sẽ là một mẫu máy bay nằm giữa phiên bản lớn nhất của dòng máy bay phản lực thân hẹp 737 (737 MAX 9) và phiên bản nhỏ nhất của dòng 787 thân rộng (787-8 Dreamliner). 797 sẽ là dòng máy bay twin-aisle (2 lối đi) hay thân rộng, dự kiến sẽ có khoảng 225 ghế với thiết lập khoang thương gia và phổ thông hoặc tối đa 260 ghế với thiết lập toàn phổ thông hướng đến các hãng hàng không giá rẻ.

Được biết 797 sẽ có 2 phiên bản khi ra mắt nhằm thay thế cho 757 thân hẹp và 767 thân rộng. Cả 2 dòng máy bay này được Boeing phát triển hợp tác đa phương vào cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước và hiện đã không còn được sản xuất.

797 sẽ là một chiếc máy bay thân rộng 2 lối đi giá rẻ? (Ảnh cabin Boeing 777 của Swiss Air)

Dự án 797 lần đầu được Boeing công bố trước công chúng tại triển lãm hàng không Paris Air Show 2015, lúc đó hãng gọi chiếc máy bay này là MOM jet (Middle of Market) hay Boeing NMA (New Mid-sized Airplane hay New Market Airplane) với tầm bay tối đa khoảng 8400 km.

CEO Steve Udvar-Hazy của cty chuyên cho thuê máy bay Air Lease nhận định rằng cách mô tả của Boeing đang dần "tạo ra những tác động trong việc định hình sản phẩm chiến lược đối với cả Boeing lẫn đối thủ Airbus." Ông nói Boeing sẽ đặt tên cho dòng máy bay này là 797 và nó sẽ có thiết kế mới dựa trên kinh nghiệm mà hãng có với 737 MAX và 787 Dreamliner.

Nói về dự án 797, Randy Tinseth - Phó chủ tịch phụ trách mảng marketing tại Boeing cho biết nó sẽ nằm giữa "Một thứ to lớn nhưng bay không được xa lắm và một thứ nhỏ hơn nhưng bay xa hơn". Ông cho rằng sự xuất hiện của 797 tại thị trường máy bay thân hẹp truyền thống sẽ tạo ra một sự kích thích tăng trưởng mà chưa ai từng thực hiện và gây được tiếng vang lớn cho Boeing.

Như đã nói ở trên với tầm bay khoảng 8400 km, 797 có thể thực hiện những chuyến bay từ London đến New York và yếu tố quan trọng nhất là giá rẻ. Những hãng hàng không giá rẻ hiện tại đang chuyển hướng khai thác các chặng bay tầm trung, sử dụng những mẫu máy bay thân hẹp giá rẻ như Airbus A321neo.

Và nếu như 797 được bán với mức giá rẻ thì khả năng cao, 797 sẽ dễ dàng lấy được miếng bánh thị phần nhờ lợi thế: một dòng máy bay thân rộng nhưng giá rẻ, có thể thực hiện những chuyến bay thẳng vượt Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu với hiệu quả kinh tế cao, mở ra hành lang cho những hãng hàng không giá rẻ hiện đang ganh đua nhau dựa trên giá vé thấp và thời gian hành trình ngắn. Chính vì điều này, 797 "có thể trở thành chiếc máy bay tạo ra giai đoạn phát triển tiếp theo của hàng không giá rẻ", Air Lease nhận định.

Tuy nhiên, Boeing hẳn còn nhớ rất rõ bài học xương máu với 787 khi chi phí sản xuất bị đẩy lên quá cao và quãng thời gian hoãn chuyển giao kéo dài triền miên. Với dự án 797, hãng đang rất cẩn trọng để tránh đi vào lối mòn. Theo ước tính của Bank of America, tổng chi phí phát triển dòng 797 sẽ từ 10 đến 15 tỉ đô. Nếu Boeing dành quá nhiều thời gian để tinh chỉnh thiết kế và kế hoạch sản xuất, hãng có thể đối mặt với nguy cơ đánh rơi thị phần vào tay Airbus.

Ron Epstein - nhà phân tích đến từ Bank of America cho biết: "Nếu Boeing đợi quá lâu, Airbus có thể sẽ hành động sớm hơn và phiên bản A322neo có thể tấn công sớm vào thị trường này." Đồng quan điểm, Udvar-Hazy cũng cho biết ông không chắc Boeing có thể tìm ra cách cân bằng giữa giá, hiệu năng và chi phí sản xuất, những yếu tố giúp 797 trở thành mẫu máy bay bán chạy nhất trong tương lai.

Boeing đã đánh giá thấp về chi phí nghiên cứu và phát triển 787 Dreamliner và chi phí R&D một lần nữa là bài toán khó nhất mà Boeing cần tìm lời giải đối với 797. Chìa khóa cho Boeing đó là "không được chế tạo 797 quá hoành tráng" - Aengus Kelly - CEO của AerCap Holding gợi ý khi nhắc đến khía cạnh công nghệ và hiệu năng động cơ có thể làm tăng chi phí. Ông nói: "Nếu bạn chế tạo nó quá cao cấp, bạn sẽ khiến 797 lấn vào thị trường của 787. Nếu bạn chế tạo nó quá đơn giản, bạn sẽ đưa 797 vào cùng phân khúc với A321." A321 của Airbus vẫn đi đầu về giá trong khi tất cả những mẫu máy bay mới của Boeing không thể rẻ bằng.

Đối thủ Airbus vẫn chọn giải pháp an toàn và tiết kiệm chi phí hơn khi cải tiến các dòng A320 và A330 với phiên bản NEO (New Engine Option). NEO kết hợp giữa động cơ mới hiệu quả hơn, thiết kế khí động học, tinh chỉnh lại kỹ thuật, thiết kế cabin nhằm giảm chi phí vận hàn và tăng số lượng hành khách. Bằng chứng là A321neo hiện đang bán rất chạy nhờ giá rẻ và tiết kiệm hơn từ 2 đến 3% nhiên liệu với chỉ vài thay đổi về thiết kế cánh. Tại triển lãm hàng không Farnborough, AirAsia đã đặt mua đến 100 chiếc A321neo trong khi đối thủ 737 MAX 9 của Boeing lại không có đơn nào. Ở phân khúc thân rộng, Boeing cũng không có sản phẩm cạnh tranh với phiên bản nhẹ và rẻ nhất của Airbus A330neo. Airbus hiện không có lý do gì để đưa ra một mẫu máy bay hoàn toàn mới trừ khi 797 chứng minh được khả năng thay đổi cuộc chơi.

Mặc dù vẫn còn nhiều ngờ hoặc nhưng Boeing vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều đối tác. United Airlines - một trong những khách hàng lâu năm nhất của Boeing cho biết hãng đang muốn thay thế 128 chiếc Boeing 757 và 767 trong đội bay, tất cả đều đã già cỗi. United đã tìm hiểu về giải pháp A321neo nhưng sau khi được xem xét cặn kẽ hơn về thiết kế của Boeing, United đã bị thuyết phục bởi mẫu máy bay này. Andrew Levy - giám đốc tài chính của United Airlines cho biết: "Những gì chúng tôi được thấy tính đến thời điểm này khiến chúng tôi rất rất thích thú. Chúng tôi thật sự hy vọng Boeing sẽ tung ra mẫu máy bay này."

 

Theo: Bloomberg; Ausbt; RunwayGirlNetwork​,Tinhte

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)