Đã hai năm làm công tác trực cảnh giới tại điểm đường ngang giao cắt với đường sắt Km 31+450 (đoạn qua phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh), chị Phan Thị Tuế, nhân viên Công ty Cổ phần Đường bộ Bắc Ninh quen với những ca trực một mình kéo dài 12 giờ liên tục, có khi là cả đêm thức canh giờ tàu chạy. Chị Tuế tâm sự: “Vất vả nhưng không bao giờ tôi cho phép mình lơ là. Chỉ cần ngủ quên không kịp đóng barie trước giờ tàu chạy là tai nạn có thể xảy ra”. Trong thời gian gắn bó với chốt trực, chị Tuế chứng kiến không ít lần người dân tự đặt mình vào nguy hiểm khi cố tình vượt qua barie đã đóng xuống bất chấp đoàn tàu chuẩn bị chạy qua. Để bảo đảm an toàn cho tuyến đường sắt, chị Tuế luôn phải trong tư thế sẵn sàng nhắc nhở, ngăn cản người dân, thậm chí xử lý nhanh những tình huống khẩn cấp phát sinh.
Còn đối với chị Hoàng Thị Hương, nhân viên trực cảnh giới tại điểm Km 29+450 (đoạn qua phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh), niềm vui lớn nhất là sau mỗi ca trực tình hình ATGT được bảo đảm, các chuyến tàu chạy qua đều thông suốt. “Điểm đường ngang này là lối rẽ vào Trường Sỹ quan chính trị, lại gần khu dân cư nên lưu lượng người qua lại rất đông, không ít người thoát chết trong gang tấc nhờ có gác chắn này. Cách đây hơn hai năm trong một đêm trực, tổ gác làm đúng thao tác hạ cần chắn và phát báo hiệu chờ tàu qua. Thế nhưng một chiếc xe ô tô 4 chỗ vẫn lao nhanh đến. Nhân viên gác chắn liên tục đưa tay ra hiệu và hét to yêu cầu dừng lại nhưng cũng không tác dụng. May mắn là cần chắn đã ngăn chặn chiếc xe, giúp tài xế phanh kịp, tránh được tai nạn đáng tiếc” - chị Hương kể.
Đoàn công tác Cục Đường sắt, Bộ GTVT khảo sát, tìm hiểu mô hình chốt trực
cảnh giới đường ngang giao cắt với đường sắt tại Bắc Ninh
Trên đây là 2 trong số 11 điểm chốt trực gác được tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 2012 đến nay. Sự xuất hiện của các chốt trực gác đã góp phần xóa bỏ nhiều điểm nóng về TNGT đường sắt góp phần vào việc giữ vững ATGT trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho hay: “Trước năm 2012, trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều điểm giao cắt phức tạp, năm nào cũng xảy ra tai nạn chết người khiến các cơ quan chức năng và người dân vô cùng lo ngại. Trước tình hình đó, Ban ATGT tỉnh đã khảo sát và đề xuất tỉnh đầu tư xây dựng các gắc chắn tại một số đường ngang có mật độ giao thông đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT và được tỉnh phê duyệt ngay. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện được việc này”.
Để bảo đảm các chốt trực phát huy đúng chức năng, hiệu quả, tỉnh giao cho Công ty cổ phần Đường bộ Bắc Ninh chịu trách nhiệm quản lý, vận hành toàn bộ 11 chốt trực cảnh giới, các nhân viên làm nhiệm vụ tại đây đều được ký hợp đồng và trả lương theo đúng quy định của Nhà nước. Ông Nghiêm Đình Đức, Giám đốc Công ty cho biết: “Ngay sau khi được tỉnh phân công nhiệm vụ, Công ty phối hợp với Công ty Đường sắt Hà Lạng, Trường Trung cấp nghề Đường sắt tổ chức tập huấn, đào tạo cấp chứng chỉ gác đường ngang cho 100% cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, Công ty cũng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt việc bảo đảm ATGT. Hiện toàn bộ 11 chốt đều có nhà trực, trong đó 6 điểm trang bị hệ thống xà chắn, 5 điểm trang bị hệ thống cần chắn đạt tiêu chuẩn”.
Sau 5 năm, hiệu quả của các chốt trực cảnh giới là rõ nét khi tại các điểm đường ngang giao cắt với đường sắt có chốt trực không còn ghi nhận vụ TNGT nào, ý thức của người dân được nâng cao hơn trong việc chấp hành các quy định về an toàn đường sắt. Mới đây, Đoàn công tác của Cục đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đến khảo sát, tìm hiểu về việc tổ chức các chốt trực tại Bắc Ninh có những đánh giá rất tích cực, coi đây là mô hình điểm để nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Trong thời gian tới, song song với việc duy trì các chốt trực cảnh giới bảo đảm an toàn, Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khảo sát thu hẹp, xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép. Được biết, năm 2016, tỉnh xóa bỏ được 2 đường ngang dân sinh. Trên tổng số hơn 20 km đường sắt chạy qua địa bàn đến nay chỉ còn 17 lối ngang dân sinh, trong đó 6 lối trên 3 m thu hẹp còn 2,5 m và 11 lối dưới 3m thu hẹp còn 1,5m.