Tổ chức 4 đoàn liên ngành kiểm tra trật tự, an toàn giao thông

Thứ hai, 05/06/2017 07:55 GMT+7

Trong tháng 6, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (Chỉ thị số 12, 23, 29, 32).

Anh

Ảnh minh họa

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại buổi họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tháng 5 và nhiệm vụ tháng 6 năm 2017.

Cũng trong tháng 6, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát bổ sung những quy định chặt chẽ hơn trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, nhất là hạng D, E, FC; tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải một số Sở Giao thông vận tải và doanh nghiệp vận tải.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông tổng kết đánh giá và sửa đổi quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải; tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu xử phạt trật tự, an toàn giao thông với công tác quản lý cấp giấy phép lái xe để bảo đảm không cấp giấy phép lái xe cho lái xe trong thời gian bị tước giấy phép lái xe.

Chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch có nhiều lái xe bị xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông và gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; cương quyết xử lý rút giấy phép các cơ sở đào tạo, sát hạch có vi phạm, làm trái pháp luật, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải ưu tiên sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; có kế hoạch kiên quyết xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông; chấm dứt và xóa các đường dân sinh tự phát cắt qua đường sắt; phối hợp với địa phương vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... đóng góp kinh phí xây dựng đường gom, làm rào chắn song song với đường ray tầu hỏa đi qua các khu vực dân cư, đô thị... phối hợp đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức phong trào tự quản, vận động tình nguyện viên để quản lý, canh gác, cảnh báo các điểm giao cắt đường dân sinh qua đường sắt.

Chấn chỉnh việc khai thác cát trên một số tuyến sông

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông mùa mưa lũ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khắc phục kịp thời khi xảy ra các sự cố đảm bảo giao thông thông suốt, cứu hộ, cứu nạn kịp thời; tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc khai thác cát trên một số tuyến sông tại các địa phương để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép.

Tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo việc điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách trên địa bàn; bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm; đồng thời không để xảy ra tình trạng "xe dù, bến cóc" do việc điều chuyển luồng tuyến nêu trên.

Yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải tổ chức khám sức khoẻ đối với lái xe ô tô năm 2017, đặc biệt là kiểm tra, phát hiện và chấm dứt hợp đồng lao động với lái xe dương tính với ma tuý.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện các hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông, đẩy mạnh xử phạt thông qua dữ liệu, hình ảnh (xử phạt "nguội"); xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông có dấu hiệu tội phạm, nhất là các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trở lên. Gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị theo địa bàn được phân công phụ trách.

Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự, an toàn giao thông đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố; tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện Thông báo này; định kỳ hàng tháng, quý báo cáo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông trong tháng 4 năm 2017 tăng so với tháng 4 năm 2016; đã xảy một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: Tai nạn giao thông đường thuỷ tại Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu ngày 6/4/2017; tai nạn giao thông tại Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp ngày 30/4/2017 và vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách tại Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ngày 7/5/2017, gây thiệt hại lớn người, tài sản.

Tình trạng xe dù, bến cóc vẫn diễn biến phức tạp, gây mất trật tự an toàn giao thông và bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải; tình trạng xe ô tô chở quá tải có dấu hiệu tái diễn trên một số tuyến quốc lộ trọng điểm, một số địa bàn khai thác khoáng sản, công trường thi công; tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn biến phức tạp trên một số tuyến sông tại một số địa phương.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)