Đà Nẵng: Tìm giải pháp giảm áp lực hạ tầng giao thông

Thứ ba, 06/06/2017 09:23 GMT+7

Năm 1997, thành phố Đà Nẵng có tổng cộng 412km đường bộ; đến cuối năm 2016, chiều dài mạng lưới đường bộ toàn thành phố 1.224km; quốc lộ 119km, tỉnh lộ 75km, đường đô thị 919km, đường giao thông nông thôn 111km. Có 41 cầu từ 25m trở lên với tổng chiều dài 10,8km. Trong khi đó, từ năm 2010-2016, lượng ô tô tăng gấp đôi từ 30.802 xe lên 61.211 xe; mô tô tăng từ 542.790 xe lên 807.430 xe… Điều này khiến áp lực hạ tầng giao thông của thành phố ngày càng gia tăng, mặc dù thời gian qua thành phố đã tập trung nhiều nguồn lực cho việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Ảnh minh họa

Thực tế, quy hoạch đô thị cũng như phát triển hạ tầng giao thông Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại như hiện trạng diện tích bến bãi, gara, điểm đậu, đỗ xe… là 17,4ha, chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu trên tổng số phương tiện hiện có. Trong khi đó, với sự tăng trưởng nhanh lượng ô tô cá nhân, trung bình 12,3%/năm; xe máy 7,5%/năm giai đoạn 2010-2016, vấn đề bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm trong tương lai không xa sẽ vô cùng bức xúc. Đó là chưa kể giao thông tĩnh dành cho các phương tiện giao thông công cộng (GTCC) đô thị và các phương tiện ngoài tỉnh khi vào thành phố.

Ông Hồ Quang Vinh, Phó trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng cho rằng: “Thời gian qua, quy hoạch phân khu chức năng, không gian đô thị chưa có sự gắn kết, đồng bộ với quy hoạch giao thông, dẫn đến tình trạng quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng các công trình thương mại, công trình công cộng (trung tâm thương mại dịch vụ, bệnh viện, trường học…) chưa phù hợp với mạng lưới giao thông. Đó là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc tại khu vực trung tâm thành phố”.

Bên cạnh đó, cấu trúc đô thị Đà Nẵng có chiều ngang hẹp nên việc bảo đảm nhu cầu chuyến đi nội đô thường khoảng cách không lớn. Mặt khác, trên địa bàn thành phố có nhiều kiệt, hẻm và chủ yếu là quy hoạch nhà phân lô liền kề, điều này tạo cho thói quen đi lại của người dân chủ yếu là phương tiện giao thông cá nhân. Đây là một khó khăn lớn trong việc phát triển GTCC, tỷ trọng đảm nhận của GTCC hiện thấp, chỉ gần 1%. “Điểm đáng chú ý là cơ cấu quy hoạch giao thông đô thị đang còn nhiều bất cập, mạng lưới đường sá phân bố không đồng đều, phân loại đường không rõ ràng; thiếu các tuyến đường liên kết trong hệ thống đường phố như đường vành đai và đường hướng tâm, các đường chính. Hệ thống đường sắt không kết nối với đường bộ; GTCC chưa liên lạc được với vận tải hàng không, với phương thức đi xe đạp, đi bộ. Nút giao chủ yếu là cùng mức; nhiều nút giao quy hoạch chưa phù hợp quy chuẩn xây dựng, dễ dẫn đến ùn tắc, mất an toàn giao thông”, ông Vinh nhấn mạnh. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều tuyến, trục giao thông tiềm ẩn mất an toàn giao thông do lưu lượng xe có tải trọng lớn lưu thông nhiều như tuyến đường Yết Kiêu - Ngô Quyền - Cách Mạng Tháng Tám (quốc lộ 14B),  Trường Chinh - cầu vượt ngã ba Huế - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng…

Trước thực trạng trên, ngành GTVT thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Trong đó, đã tập trung triển khai thực hiện tốt dự án ODA hạ tầng giao thông; đôn đốc các ban quản lý dự án, các đơn vị triển khai cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng kế hoạch tiến độ từng công trình; đồng thời, thực hiện cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ trên 23 đoạn, tuyến đường, tổ chức giao thông một chiều trên 8 tuyến đường, đã xử lý 144 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông…

Đặc biệt, ngành đề xuất UBND thành phố thống nhất chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp gần 20 nút giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2016-2020; lộ trình xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt, lắp đặt các nút tín hiệu điều khiển giao thông, camera giám sát tốc độ…

Lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phát triển giao thông đô thị bền vững, ngành sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch GTVT gắn với quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất theo hướng hiện đại hóa, ưu tiên sử dụng đất để phát triển GTCC, hạn chế  xây dựng công trình cao tầng tập trung đông người khu vực trung tâm.

Nghiên cứu, quy hoạch các phân khu chức năng để phát triển không gian đô thị về phía tây thành phố. Xây dựng quy hoạch định hướng phát triển giao thông ngầm, giao thông trên cao vào quy hoạch chung của thành phố; ưu tiên kinh phí, có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các nút giao thông khác mức, các bãi đỗ xe khu vực trung tâm. Triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, kết nối đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây…

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)