Chị Nguyễn Thị Chuyên đứng chốt khi tàu hỏa đi qua
Miệt mài, trách nhiệm
Trưa tháng 6 nắng gắt, trong căn lán nằm sát đường ngang tại Km78+744, thuộc địa phận phường Gia Cẩm (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), chị Nguyễn Thị Chuyên (SN 1981, trú tại tổ 25, khu 13, phường Gia Cẩm) chăm chú nhìn đường sắt phía trước. Trên tay đeo băng đỏ, chị liên tục phẩy chiếc quạt nan, nhưng chiếc áo xanh vẫn thấm đẫm mồ hôi.
14h30, từ phía xa vang lên tiếng còi tàu, chị Chuyên đứng phắt dậy chạy ra giữa đường, cầm chiếc gậy gỗ giơ lên cảnh báo cho người đi đường dừng lại. Và, như đã thành quy ước, mọi phương tiện đều dừng lại, kiên nhẫn đợi tàu qua, chiếc gậy trên tay chị Chuyên thu lại, mọi người mới qua đường ngang.
Hiện, Ban ATGT tỉnh Phú Thọ đang phối hợp với ngành Đường sắt tiếp tục khảo sát một số điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trên địa bàn đang tiềm ẩn nguy cơ TNGT để tiếp tục đề xuất triển khai chốt gác tại những điểm mới. |
Chị Chuyên cho biết, chị bắt đầu nhận công việc cảnh giới tại điểm giao cắt Km78+744 từ tháng 5/2016. Tại chốt trực này, có ba người luân phiên cảnh giới 24/24h. Đây là tuyến đường dẫn vào khu dân cư, lại có hai trường THPT ở phía trong đường ngang nên lượng người và phương tiện qua lại rất đông, đặc biệt là vào giờ tan tầm.
“Tôi làm công việc này một năm rồi. Hồi đầu làm nhiệm vụ cảnh giới, tôi nản lắm vì làm việc đêm hôm. Cái lán tạm chẳng đủ sức che mưa nắng, giá rét. Thế mà, người đi đường nhiều khi thấy chúng tôi yêu cầu dừng lại còn chửi mắng. Nhưng rồi làm một thời gian tôi quen dần, mà người đi đường cũng quen, chấp hành nghiêm chỉnh. Dần dần, thấy yêu nghề này hơn”, chị Chuyên kể.
Anh Đinh Việt Kiên (SN 1974, trú tại tổ 5, phố Gát, phường Tiên Cát, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), trực chốt gác tại Km75+212 phường Tiên Cát cho biết, so với thời điểm tháng 5/2016 khi ông mới tham gia chốt gác, tình hình ATGT đường sắt và ý thức của người tham gia giao thông qua điểm giao cắt tại Km75+212 đã cải thiện rõ rệt.
“Điểm giao cắt này từ xưa đến nay luôn có nhiều người qua lại, đặc biệt là người buôn bán nhỏ. Họ đi qua đây để xuống bến đò Chiểu Dương sang bên kia sông (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) buôn bán. Trước kia, khi chưa có chốt gác, tình hình đi lại lộn xộn, cứ một vài ngày lại có vụ va chạm giao thông với tàu hỏa. Từ ngày chốt gác đi vào hoạt động, ý thức người dân đã được cải thiện rõ rệt”, ông Kiên nói.
Chốt gác của ông Kiên thuận lợi hơn so với chốt gác của chị Chuyên do ông có lịch thông báo về giờ tàu chạy nên công việc chốt gác cũng thuận lợi hơn. 15h30, tôi cùng ông Kiên chạy ra chốt gác. Theo lịch ông Kiên nắm được khoảng 10 phút nữa tàu mới chạy qua nhưng khi ra đến chốt, vừa thấy sự có mặt của ông, người đi đường đã bắt đầu dừng lại. Anh Kiên nói với giọng rất tự hào: “Hồi đầu mới làm, có lần một lái xe ô tô cố tình vượt lên đúng lúc tàu sắp chạy tới, tôi phải gọi mọi người tới giúp kéo chiếc ô tô quay trở lại và chấn chỉnh anh lái xe một trận. Bây giờ, gần như không có tình trạng đó xảy ra. Mọi người cũng dần hiểu công việc của chúng tôi và rất tôn trọng chúng tôi”.
Hiệu quả rõ rệt
Số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh Phú Thọ về tình hình TNGT đường sắt trong khoảng 5 năm trở lại đây cho thấy: Năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT đường sắt làm chết 5 người; Năm 2014 xảy ra 2 vụ làm chết 2 người; Năm 2015 xảy ra 7 vụ, làm chết 6 người, bị thương 1 người; Năm 2016 xảy ra 1 vụ làm chết 1 người. Phân tích nguyên nhân phần lớn các vụ TNGT đường sắt ở Phú Thọ đều xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nơi không có rào chắn, không có người cảnh giới.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Phú Thọ cho biết, từ phân tích tình hình ATGT đường sắt trong những năm qua, năm 2016, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Ban ATGT tỉnh phối hợp với các địa phương có đường sắt chạy qua và các đơn vị quản lý đường sắt triển khai tổ chức thành lập 17 chốt cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có mật độ phương tiện qua lại đông, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cao. Mỗi vị trí chốt gác bố trí 3 người cảnh giới liên tục 24/24h và bắt đầu thực hiện từ tháng 5/2016. Mỗi người tham gia chốt gác được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng. Theo kế hoạch, năm 2017, tổng kinh phí để duy trì hoạt động của 17 chốt gác này là 918 triệu đồng.
“Sau một năm thực hiện 17 chốt gác đường sắt, tình hình TNGT đường sắt ở Phú Thọ đã giảm một cách rõ rệt. Từ tháng 5/2016 đến nay, không xảy ra vụ TNGT đường sắt nào”, ông Thanh đánh giá.