Tội phạm tấn công mạng ngày càng nghiêm trọng

Thứ sáu, 10/11/2017 14:32 GMT+7

Ngày 9/11, tại Hội nghị Quốc gia An ninh mạng 2017 do Cục An ninh mạng - Bộ Công An; Cục An Toàn Thông Tin - Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Quản lý Mật mã Dân sự và Kiểm định Sản phẩm mật mã - Ban Cơ yếu chính phủ và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức, các chuyên gia đã cảnh báo và đưa ra nhiều giải pháp về bảo mật cho doanh

 
Chuyên gia cảnh báo tình trạng tấn công mạng cho các doanh nghiệp. Ảnh: T.H

Theo các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, có hàng tỷ người kết nối với mạng Internet và công nghệ vạn vật kết nối, bởi đang là một xu hướng công nghệ quan trọng, được kỳ vọng sẽ mang đến vô số các cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc hội nhập hiệu quả với nền kinh tế thế giới. 

Với sự tham dự của hơn 250 chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng, tại hội nghị, hàng loạt các thủ đoạn tấn công an ninh mạng đã được các chuyên gia gới thiệu và cảnh báo, đồng thời các chuyên gia đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cũng như cập nhập xu hướng mới nhất trong lĩnh vực an ninh mạng, các nhà cung cấp giải pháp, đối tác cũng như tiếp cận và hướng dẫn trải nghiệm các sản phẩm bảo mật tiên tiến nhất.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tư vấn bảo mật và an toàn, an ninh thông tin cùng tham gia thảo luận và đề xuất các giải pháp xây dựng hệ thống bảo mật và an toàn thông tin hiệu quả, giúp các tổ chức chủ động trước các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin đang diễn ra ngày một phức tạp tại thị trường Việt Nam.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mạng doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0, Đại tá Trần Văn Hòa, Học Viện An ninh nhân dân cho rằng, nguy cơ bị tấn công từ truy cập không dây, như: wifi công cộng, wifi của các doanh nghiệp dễ bị lộ mật khẩu để các đối tượng tấn công; nguy cơ từ thiết bị công nghệ vạn vật kết nối, từ phần cứng không nâng cấp, cập nhật; không kiểm tra an ninh, không có tường lửa bảo vệ… Từ đó dẫn đến nguy cơ tấn công mạng, gồm: Nguy cơ tắc nghẽn đường truyền; nguy cơ xâm nhập trái phép, lấy cắp phá hoại dữ liệu; nguy cơ bị cài mã độc, nguy cơ bị tấn công, chiếm đoạt tài sản trí tuệ và nguy cơ phát tán thông tin nhạy cảm.

Nguyên nhân bị tấn công theo ông Hòa, do có lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng; do thiếu đầu tư cần thiết vào hạ tầng bảo mật thông tin; thiếu nhân lực giỏi về bảo mật, quản trị; thiếu quy định chặt chẽ về tổ chức quản trị hệ thống, phân quyền truy cập. 

Ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã Dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, trong thời đại cách mạng 4.0, để hoạt động bảo vệ, đảm bảo bí mật an toàn, an ninh thông tin đạt hiệu quả, Ban cơ yếu Chính phủ tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý về quản lý bảo mật, an toàn, thông tin…

Theo ông Lê Thành Tâm, Tổng Giám đốc, Chủ tịch điều hành IDG ASEAN, năm 2017 xảy ra một loạt các vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào hầu như các mặt của xã hội, như: Hàng không, bảo hiểm, ngân hàng, y tế, với thiệt hại lên đến hàng tỷ USD và gây không ít phiền toái cho khách hàng. Theo dự đoán của Tập đoàn IDG, thiệt hại do các vụ tấn công mạng này sẽ vượt 6.000 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2021, trong khi đó chi tiêu cho an ninh mạng cũng sẽ vượt 1.000 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2021. 

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, các cuộc tấn công mạng đang ngày càng dai dẳng, đa dạng, thường xuyên và nguy hiểm hơn. Trong đó, các mục tiêu tấn công đang dần chuyển dịch từ các mục tiêu cá nhân sang các tập đoàn kinh tế lớn, hay nghiêm trọng hơn là các đối tượng tấn công vào hệ thông thông tin quan trọng của các quốc gia…

Các chuyên gia cũng cảnh báo, thời gian qua, tấn công bằng smartphone tăng mạnh, loại mã độc tấn công tài chính tăng 36%; 3 mã độc chiếm 86% nguy cơ là: Ramnit, Bebloh và Zbot; lừa đảo trong mua bán hàng qua mạng, với thủ đoạn: sau khi ký hợp đồng qua mạng, thực hiện đúng hợp đồng đầu nhằm tạo lòng tin; khi có hợp đồng trị giá lớn, đối tượng nhanh chóng rút tiền rồi thực hiện giao hàng không đúng hợp đồng hoặc không giao hàng…

Các chuyên gia cũng lưu ý các DN một số giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin DN: Đặt chế độ chặn lọc thư rác; cảnh giác với mail, đường link lạ, file đính kèm; tắt các dịch vụ không cần thiết; đặt quyền truy cập hạn chế; cập nhật các bản vá lỗ hổng bảo mật…

 

Nguồn: baohaiquan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)