Theo báo cáo của ngành chức năng, những năm gần đây, hầu như năm nào Bạc Liêu cũng xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy dẫn đến chết người. Không hẳn là sự trùng hợp khi đa phần các vụ việc ấy, người thiệt mạng chính là những người điều khiển, hay ngồi trên những chiếc vỏ lãi composite. So với đường bộ thì TNGT đường thủy ít xảy ra hơn, nhưng nếu đã xảy ra thì đều nghiêm trọng. Trên sông nước mênh mông, chỉ cần một cú va chạm mạnh, vỏ lãi lật úp, người rơi xuống nước… là đã có khả năng ở cạnh “hà bá”.
Đoạn sông tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông ở xã Hưng Phú (huyện Phước Long).
Từ những vụ say rượu đâm vào phương tiện khác, hay các vụ va chạm ở những khúc sông, rạch giao nhau cho đến việc là nạn nhân của các chướng ngại vật như vó, lú, nò, đó, cây cối hai bên bờ sông…, đã để lại không ít sự cố đau lòng. Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, tuy nhiên, phần lớn là do sự chủ quan, lơ là, thậm chí bất chấp các quy định về đảm bảo an toàn giao thông của người dân. Trong đó bao gồm cả việc lái phương tiện mà không tham gia các khóa học cấp chứng chỉ, phương tiện sử dụng lâu năm không chấp hành đăng ký, đăng kiểm đúng quy định, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu (bia), sử dụng các loại máy công suất lớn để chạy vỏ và điều khiển với tốc độ cao… Thực trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, không riêng gì đường bộ, mà TNGT đường thủy hiện nay cũng chính là nỗi lo thường trực ám ảnh con người. Chỉ cần một sự cố nhỏ khi tránh vượt không an toàn, phương tiện chở nhiều người, nhiều hàng hóa, lưu thông trong lúc triều cường dâng cao, lưu thông qua những đoạn sông rạch cây cối rậm rạp… cũng có thể đánh đổi cả tính mạng con người.
Ông Phan Minh Hưng (ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) cho biết: “Tôi rất ngán ngại và cảm thấy bất an khi chạy vỏ lãi vào ban đêm, bởi không chỉ căng mắt để tránh các phương tiện ngược chiều mà còn phải cảnh giác với các vật nổi trên sông, các chướng ngại hai bên bờ. Có lần, tôi suýt mất mạng nếu không kịp tránh một cây to bật gốc ngã từ bờ ra giữa sông…”.
Vốn đã thấy, đã nghe nhiều về các vụ TNGT đường thủy, bà Nguyễn Thị Thoa (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) luôn có tâm lý lo lắng mỗi khi người thân có việc phải chạy vỏ lãi đi khỏi nhà. Bà luôn dặn dò từng thành viên trong gia đình là không được uống rượu say để còn điều khiển phương tiện, nhắc nhở con cháu không được chạy tốc độ cao, chở khẳm và luôn nhắc mấy đứa nhỏ không được đùa giỡn khi đi trên sông nước…
Bạc Liêu hiện có hàng chục ngàn phương tiện thủy nội địa, trong đó có rất nhiều vỏ máy sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày của các gia đình. Tuy nhiên theo thống kê, có hơn 40% phương tiện thủy nội địa không chấp hành quy định đăng ký, đăng kiểm để đảm bảo an toàn khi lưu thông. Và số người lái các phương tiện vỏ lãi hiện nay được đào tạo qua các lớp chuyên môn vẫn còn là con số khiêm tốn. Đây quả thật là mối nguy hiểm rất lớn trên những khúc sông vốn đã nhiều sóng gió, luôn rình rập tính mạng con người. Việc đẩy mạnh các chế tài đối với hành vi vi phạm và tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc đảm bảo ATGT đường thủy nội địa vẫn đang và sẽ tiếp tục được thực hiện sâu rộng. Trên hết, vẫn là ý thức của mỗi người trong việc phòng tránh cũng như giữ tinh thần thượng tôn pháp luật.