Đừng để phải trả giá vì chạy xe thiếu an toàn

Thứ hai, 11/12/2017 09:57 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra 5 vụ tự gây tai nạn giao thông (TNGT), nhiều vụ gây hậu quả chết người. Trước thực tế này, phòng ngừa TNGT tự gây được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Trong đó, bản thân mỗi người điều khiển phương tiện phải luôn tự giác chấp hành những quy tắc an toàn khi tham gia giao thông.

Lực lượng CSGT đường bộ (PC67)-Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
kiểm tra tốc độ các phương tiện trên Quốc lộ 51.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (PC67) - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính từ ngày 16/11/2016 đến hết ngày 15/11/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 761 vụ TNGT, làm chết 258 người và 843 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ TNGT giảm 67 vụ, giảm 3 người chết và 118 người bị thương. Tuy nhiên, có tới 60 vụ do người điều khiển phương tiện tự gây TNGT (trung bình mỗi tháng có 5 vụ) với 64 người chết. Nguyên nhân của các vụ tự gây TNGT do người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đã sử dụng chất kích thích thần kinh (rượu, bia, ma túy…), không chú ý quan sát, lạng lách đánh võng, chạy quá tốc độ quy định… dẫn đến không làm chủ được tay lái nên đâm vào dải phân cách, cột điện, vỉa hè, quán xá bên đường hoặc té ngã trên mặt đường.

Thời gian qua, những con đường hẹp, có mật độ lưu thông đông đúc vốn là những yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT, trong đó có sự gia tăng của TNGT tự gây. Nhưng ngay cả trên những con đường rộng, người thưa, nếu người điều khiển phương tiện lơ là, mất tập trung thì TNGT nghiêm trọng vẫn cứ xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Đơn cử gần đây, ngày 15/11, anh Đoàn T. V. (SN 1962, trú tại phường Phước Trung, TP.Bà Rịa) điều khiển xe máy BS 72D1-127.43 chở anh Trần Văn S. (SN 1972, trú tại phường Long Hương, TP.Bà Rịa) lưu thông đến đoạn đường trước số nhà 162 Cách Mạng Tháng Tám, phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa thì tự té ngã, làm anh S. tử vong. Trước đó, khoảng 6 giờ ngày 29-10, anh Nguyễn Ph. (SN 1972, trú tại huyện Châu Đức) điều khiển xe mô tô biển số 72F4-1312 lưu thông trên đường Bình Giã-Quảng Thành (huyện Châu Đức), khi đến đoạn đường thuộc ấp Kim Bình, xã Bình Giã, do không làm chủ tốc độ anh Ph. đã tự té dẫn đến tử vong. Một vụ khác, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 22-10, anh Nguyễn Xuân S. (SN 1997, trú tại Biên Hòa, Đồng Nai) điều khiển xe mô tô biển số 60F2-18964 phía sau chở em trai Nguyễn Xuân H. lưu thông trên đường Võ Nguyên Giáp hướng về ngã tư Ẹo Ông Từ (TP.Vũng Tàu), khi đến trước trụ đèn 626 của tuyến đường trên thì tự té khiến anh S. tử vong còn H. bị thương.

Một vụ TNGT tự gây đâm vào dải phân cách tại đường Võ Nguyên Giáp
(TP.Vũng Tàu) làm 1 người chết 1 người bị thương.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Tân, Đội phó Đội CSGT - Công an TP.Vũng Tàu cho biết, năm 2017, trong 57 vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP.Vũng Tàu làm 57 người chết và 21 người bị thương, thì có đến 18 vụ TNGT tự gây với 18 người chết và nhiều người bị thương. Các vụ TNGT tự gây rất khó kiểm soát, bởi phần lớn lỗi chủ yếu do người điều khiển phương tiện, còn các yếu tố khách quan như thời tiết, đường chỉ là nguyên nhân rất nhỏ khó có thể gây TNGT trực tiếp nếu người điều khiển phương tiện cẩn thận, thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn.

Thượng tá Phan Văn Miếng, Phó Phòng PC67 - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, qua công tác tuần tra, thực hiện các giải pháp bảo đảm bảo trật tự ATGT cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là do lỗi chủ quan của người đi đường chiếm hơn 80%. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lỗi vi phạm như đi không đúng phần đường, vi phạm tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, đi ngược chiều, lái xe khi trong người có nồng độ cồn vượt quá quy định... Các vụ TNGT tự gây thường xảy ra từ khoảng 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, khi xảy ra TNGT người bị nạn thường không được hỗ trợ cấp cứu kịp thời, do trong thời gian này ít có người phát hiện, nên xác suất tử vong rất cao. “Do vậy, để phòng tránh tai nạn khi tham gia giao thông, tự bản thân của mỗi người điều khiển phương tiện phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về ATGT đến mọi tầng lớp nhân dân và luôn kiên quyết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật giao thông”, Thượng tá Phan Văn Miếng nhấn mạnh.

 

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)