Một điểm mua bán quần áo lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên đường Cao Văn Lầu.
Điển hình như trước cổng Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic (đường Bà Triệu, phường 3), mỗi sáng, xe đẩy bán trái cây, bánh mì, đồ chơi… tập kết dưới lòng đường gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông qua lại, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc chuyển bệnh. Mỗi khi thấy bóng dáng lực lượng công an, trật tự đô thị phường 3 thì các hộ này đẩy xe di tản ra nhiều nơi, “ém” vào các hẻm, và sau khi các lực lượng này rời đi thì cảnh mua bán mất trật tự ATGT lại tiếp diễn.
Tương tự là tình trạng căng lều bạt mua bán quần áo, đồ gia dụng trên vỉa hè, lòng đường. Không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, kiểu mua bán này còn gây phiền phức khi mở loa nhạc ầm ĩ để quảng cáo, mời chào khách hàng. Những ngày qua, gian hàng quần áo lưu động trên đường Cao Văn Lầu (đối diện cổng chào Khu đô thị ven sông phường 2) còn công khai bày hàng sát mé lộ, người bán còn căng mái che dài 5 - 6m bằng khung sắt khá kiên cố.
Còn trên tuyến đường 23/8 (phường 8, TP. Bạc Liêu), gần đây nhiều người đua nhau lấn chiếm hành lang ATGT mua bán. Bức xúc nhất là hai bên đường gần xí nghiệp đông lạnh và khu vực Bệnh viện Quân dân y tỉnh, nhiều người dân bày bán rau củ, trái cây, hoa tươi… và nhiều mặt hàng khác lấn ra làn đường xe máy lưu thông. Tuyến đường này luôn tấp nập xe cộ, nhất là vào những lúc tan tầm, giao thông qua lại phức tạp hơn bởi cảnh mua bán lấn chiếm lòng lề đường.
Ông Hai Tân - một hộ dân sống ở tuyến đường 23/8 cho biết: “Người dân chúng tôi hy vọng, sau khi thực hiện đợt lập lại trật tự đô thị thì đường thông, hè thoáng, nhưng tình trạng tái lấn chiếm lại xuất hiện gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến ATGT”.
Năm 2017, toàn tỉnh Bạc Liêu đã sắp xếp, giải tỏa, nhắc nhở gần 14.000 lượt người mua bán gây cản trở giao thông. Thế nhưng, con số xử lý vi phạm thì rất ít. Thiết nghĩ, các địa phương cần siết chặt quản lý chống tái lấn chiếm bằng cách xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.