Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nhiều gia đình nuông chiều, giao cho các em phương tiện khi các em không đủ điều kiện điều khiển, chẳng hạn mô tô. Hoặc không trang bị cho các em kiến thức cơ bản nhất khi tham gia giao thông như không được chở quá số người quy định, không chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, không vượt tín hiệu đèn giao thông...
Giờ tan trường, hình ảnh học sinh chạy xe đạp dàn hàng ngang giữa đường, bá vai nhau trong lúc điều khiển xe, hoặc vi phạm các lỗi như: chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, ngồi xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH)...vẫn còn diễn ra.
Bên cạnh đó, một phần do ý thức, thái độ của các bậc phụ huynh. Hằng ngày, chúng ta vẫn thấy nhan nhản những cảnh tượng mất an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt là trước cổng trường. Dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng vẫn có không ít phụ huynh đậu xe dưới lòng đường chờ con tan trường, không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, chở nhiều trẻ cùng lúc, cho trẻ ngồi trên xe gắn máy với tư thế không an toàn, ngang nhiên đi ngược chiều, vượt đèn đỏ…
Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Nhiều nỗ lực đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông
Nhằm nâng cao nhận thức về việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông cho trẻ em, các cấp, các ngành trên toàn tỉnh đã tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, vận động thanh, thiếu nhi chấp hành pháp luật ATGT thông qua các hình thức khác nhau.
Tỉnh đoàn Tây Ninh chỉ đạo các cấp bộ Đoàn-Hội-Đội trong tỉnh tổ chức thường xuyên các hoạt động tuyên truyền về ATGT với nhiều hình thức như hội thi rung chuông vàng, các phiên toà giả định, các diễn đàn văn hoá giao thông; các phong trào như ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh, thắp sáng đường quê, cổng trường ATGT...
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan và Uỷ ban ATGT Quốc gia tổ chức chương trình tặng mũ bảo hiểm cho các em học sinh bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức cho học sinh, sinh viên và phụ huynh ký cam kết không vi phạm pháp luật về TTATGT; phát động triển khai các cuộc thi liên quan ATGT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, tổ chức các cuộc thi viết "Tìm hiểu pháp luật về ATGT" cho học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong toàn tỉnh. Ngoài ra, một số trường học có cách làm hay, sáng tạo như nhắn tin nhắc nhở phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho các em thông qua sổ liên lạc điện tử; hằng ngày, vào giờ đến lớp và tan học, cử tổ, đội sao đỏ đứng trước cổng trường để nhắc nhở học sinh.
Công an tỉnh tuyên truyền trực tiếp về ATGT tại các trường học; tổ chức hội thi "Thanh niên với văn hoá giao thông", xây dựng mô hình " Trường học đảm bảo ATGT"; thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm về việc không chấp hành luật giao thông như vi phạm tốc độ, đi sai làn đường và thiếu quan sát, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, đồng thời, thông báo trường hợp các em học sinh có hành vi vi phạm pháp luật TTATGT về các đơn vi trường học...
Ngoài ra, hệ thống các phương tiện truyền thông như Báo Tây Ninh, đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, hệ thống truyền thanh các huyện, thành phố và cụm loa truyền thanh không dây thường xuyên đăng tải các tin, bài, phát sóng các phóng sự liên quan việc đảm bảo ATGT cho trẻ em như đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông; hướng dẫn các biển báo giao thông để các em có thể nắm và chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông...
Hãy hành động để đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ
Mặc dù, công tác tuyên truyền, công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT được các cấp, các ngành triển khai thường xuyên, tuy nhiên, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em vẫn còn cao. Với mục tiêu phấn đấu giảm từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí; đặc biệt là giảm tỷ lệ thương, vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017, Ủy ban ATGT quốc gia đã triển khai Năm ATGT 2018 với chủ đề "ATGT cho trẻ em". Ủy ban ATGT quốc gia đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ban hành quy định về khu vực ATGT xung quanh trường học từ bậc mầm non đến THPT. Ngành Giáo dục và các trường học phải tích cực tuyên truyền, giáo dục về ATGT để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên. Phải hoàn thành xây dựng chương trình giáo dục ATGT cho toàn bộ các cấp học từ mầm non đến THPT, triển khai đồng bộ từ năm học 2018 - 2019.
Ở góc độ xây dựng pháp luật, để thực hiện được mục tiêu ATGT cho trẻ em, các văn bản pháp luật liên quan tới ATGT cho trẻ em sẽ tiếp tục được chú trọng, sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu ban hành quy định chặt chẽ hơn về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với xe buýt và xe hợp đồng chở học sinh; quy định về ghế và dây an toàn dành cho trẻ sơ sinh trên xe ô tô...
Năm ATGT 2018 sẽ là năm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các tuyến đường, bảo đảm điều kiện đi bộ và sang đường an toàn cho trẻ em. Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện, chú trọng các chế độ hỗ trợ, tạo cơ hội phát triển cho trẻ em là con các nạn nhân tử vong hoặc bị thương tật nặng do TNGT…
Liên quan việc bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông, mới đây, Ban an toàn giao thông tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em năm 2018 với chủ đề "Giữ trọn ước mơ". Kế hoạch nhằm nâng cao ý thức của nhân dân về việc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia cho trẻ em khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Theo đó, 100% học sinh lớp 1 năm học 2018-2019 trên địa bàn tỉnh được trao tặng mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Thời gian trao tặng mũ bảo hiểm được tổ chức tại buổi Lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 tại tất cả các điểm trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Các ngành, các cấp đang có nhiều giải pháp bằng các hoạt động thiết thực để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông, còn các bậc phụ huynh thì sao? Cùng với thầy cô, nhà trường, cha mẹ hãy là người trực tiếp hướng dẫn các em kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Thói quen ấy cần được hình thành và nuôi dưỡng mỗi ngày, mỗi khi ra đường. Đặc biệt, mỗi phụ huynh phải tuyệt đối là những tấm gương tự giác chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo ATGT để trẻ em, học sinh ghi nhớ và noi theo. Cùng với đó, để bảo vệ trẻ em từ hôm nay, các bậc phụ huynh không cho trẻ tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và kinh nghiệm xử lý tình huống, thậm chí không chở trẻ khi trên người trẻ chưa trang bị mũ bảo hiểm.
Đồng thời, đừng chỉ giáo dục suông cho trẻ về chuyện chấp hành pháp luật ATGT bằng lý thuyết mà hãy cho trẻ thấy thái độ tôn trọng pháp luật, cẩn trọng với tay lái cũng như quý trọng sự an toàn của những người cùng đi trên đường mà người lớn thể hiện. Đó là cách dạy và bảo vệ trẻ chủ động nhất.
Phía sau tay lái là tương lai con trẻ. Hãy hành động để không còn những nỗi đau do tai nạn giao thông và làm tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông đối với trẻ em.