Đề xuất tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Thứ năm, 11/04/2019 08:34 GMT+7

Sáng 10/4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện đề nghị, các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, kết nối dữ liệu, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong việc thực hiện nghị định 46.

Tại hội nghị, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết trong quá triển khai Nghị định 46/2016 đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi.

Theo bà Hoàng Hồng Hạnh, hiện nay mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng đối với cá nhân, thấp hơn mức phạt trong lĩnh vực đường sắt, đường thủy.  Vì vậy, cần tăng mức phạt tối đa với cá nhân khi vi phạm luật giao thông đường bộ lên 80 triệu đồng đối với cá nhân. Đồng thời điều chỉnh tỉ lệ % phạt tiền so với mức phạt tiền tối đa của các chức danh.; tăng mức phạt với người sử dụng rượu bia, vi phạm trên đường cao tốc.

Bà Hạnh cũng đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi công vụ từ mức 500.000 đồng lên 1.000.000 đồng.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, việc sửa Nghị định 46 cần xuất phát từ những vấn đề thực tiễn

Thời gian qua, tổ soạn thảo nhận được những đề xuất tước bằng lái xe vĩnh viễn với tài xế uống rượu, sử dụng ma túy gây tai nạn. Hình thức xử phạt bổ sung tước bằng lái từ 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng là chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay quy định thời hạn tước bằng lái tối đa là 24 tháng. Vì vậy, muốn có hình thức tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, có thể tước quyền sử dụng GPLXi vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm, đảm bảo hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước.

Bà Hoàng Hồng Hạnh cũng đề nghị nghiên cứu quy định về việc tạm giữ tang vật phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính để đảm bảo tính khả thi trên thực tế và đặc biệt việc tạm giữ phương tiện tham gia giao thông để ngăn chặn những hành vi có thể gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông cao; hoặc cho phép người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được tạm giữ phương tiện để ngan chặn hành vi vi phạm có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng trong xã hội.

Theo tổng hợp báo cáo từ các lực lượng, trong 2 năm thực hiện Nghị định 46, lực lượng Thanh tra Giao thông đã thực hiện 15.250 cuộc thanh tra; 198.540 cuộc kiểm tra. Qua đó phát hiện 246.144 vụ vi phạm, xử phạt số tiền hơn 513,6 tỷ đồng, tạm giữ 1.420 ô tô.

Lực lượng công an đã xử lý trong lĩnh vực đường bộ hơn 7,87 triệu trường hợp vi phạm, phát tiền hơn 4.618 tỷ đồng; tước hơn 589.738 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 939.116 phương tiện. Trong lĩnh vực đường sắt đã xử phạt hơn 2.928 trường hợp, phạt tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo tại Hội nghị

Tham luận tại hội nghị, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đề xuất ngoài phạt tiền người vi phạm, cần có hình thức phạt lao động công ích, lưu số lần bị phạt để phạt lũy tiến… “Ngoài phạt tiền cần có những hình phạt lao động công ích, buộc thi lại lý thuyết hoặc sát hạch lái xe với một số lỗi như các nước đang thực hiện để người vi phạm khỏi còn tâm lý phạm lỗi, nộp tiền là xong” ông Minh nhấn mạnh.

Ông Trần Hữu Minh Đồng cho rằng nên cập nhật lỗi vi phạm của tài xế, doanh nghiệp vận tải, nếu vi phạm nhiều lần thì lần sau tăng mức phạt cao hơn lần trước theo hình thức lũy tiến, tăng mức tiền mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe. Với hành vi sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe, cần xem xét mức phạt có sức răn đe hơn. Tăng mức phạt với doanh nghiệp, chủ xe có tài xế vi phạm.

Theo ông Minh, việc chống đối, đôi co giữa người vi phạm với lực lượng chức năng hiện nay là không chấp nhận được. Bởi vì người thực thi công vụ được người dân ủy quyền thực thi pháp luật. Để chấm dứt tình trạng này, cần có cơ chế để người vi phạm khiếu nại, phản ánh với quyết định xử phạt tại tòa. Cơ quan chức năng sẽ chứng minh vi phạm chứ không phải người vi phạm cứ yêu cầu đưa bằng chứng ngay mới chấp hành xử phạt.

"Nếu chỉ tập trung sửa nghị định 46 thì hiệu quả, tác dụng không cao mà đặt trong mối quan hệ với việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật khác. Ví dụ nếu xử phạt xong, ghi lỗi vào cơ sở dữ liệu quốc gia thì sẽ tránh được tình trạng hồ sơ vi phạm của tài xế luôn trắng. Cần cập nhật lỗi để xử phạt lũy tiến, để chủ doanh nghiệp biết tiểu sử lái xe khi tuyển dụng. Viêc này liên quan đến nhiều nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thống kê nên cần sự tham gia của Bộ Tư pháp trong sửa đổi", ông Minh cho biết.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, trước mắt việc sửa Nghị định 46 cần xuất phát từ những vấn đề thực tiễn. Cái gì còn vướng mắc gây tranh luận giữa người dân và lực lượng thực thi cần xử lý trước như: làm rõ hành vi dùng tay sử dụng điện thoại khi lái xe là thế nào; luật giao thông đường bộ cho phép vượt đèn vàng khi thấy nguy hiểm từ phía sau nhưng quy chuẩn 41 lại không cho phép vượt nên cần thống nhất để tránh sự tranh cãi…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các cơ quan quản lý giao thông vận tải, cảnh sát giao thông các địa phương cũng góp ý liên quan tới một số quy định chưa rõ ràng, khó xử lý, hay việc liên thông giữ liệu để tăng liệu lực, hiệu quả xử phạt, làm cơ sở xử phạt tăng nặng với các sai phạm nhiều lần...

Đánh giá về 2 năm thực hiện Nghị định 46, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho rằng qua gần 3 năm thực hiện, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Trật tự an toàn giao thông những năm qua được duy trì ổn định, ý thức của người tham gia giao thông được tăng lên một bước, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cũng thừa nhận, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 0,75 %, trong đó đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ còn diễn ra phổ biến, một số hành vi chưa quy định chế tài xử phạt.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường bộ được sửa đổi bổ sung như các Nghị định về điều kiện kinh doanh đào tạo, sát hạch lái xe, đào tạo thẩm tra viên, thẩm tra an toàn giao thông; các thông tư về đào tạo sát hạch lái xe, quản lý bảo trì đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng… đặc biệt các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường sắt đã thay đổi rất lớn nên một số hành vi  vi phạm không còn phù hợp, một số hành vi vi phạm theo quy định các văn bản mới ban hành chưa có chế tài xử phạt.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện đề nghị, các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, kết nối dữ liệu, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong việc thực hiện nghị định 46, tiến tới xử phạt qua hình ảnh nhiều hơn. Đồng thời đề nghị tổ biên tập tiếp thu ý kiến góp ý để đẩy nhanh quá trình soạn thảo nghị định sửa nghị định 46, thông tư liên quan. “Sau Hội nghị, các đơn vị sẽ phối hợp hoàn thiện báo cáo sơ kết; xây dựng Dự thảo nghị định sửa Nghị định 46, vì vậy đề nghị các cơ quan, đơn vị tham gia ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi” Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Nguồn: Đường bộ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)