Rào đóng lối đi tự mở qua đường sắt: Cần sự quyết liệt

Thứ hai, 13/05/2019 15:07 GMT+7

Ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá, công tác phối hợp giữa địa phương và ngành Đường sắt những năm qua tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần khắc phục, đặc biệt là tình trạng vi phạm nghiêm trọng hành lang ATGT đường sắt.

Rào xong lại bị phá

Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 236 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có tới 148 lối đi tự mở. Năm 2018, địa phương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh rào đóng được 4 lối đi tự mở trên địa bàn huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang; nâng cấp xây dựng gờ giảm tốc, bố trí biển báo, chiếu sáng tại 4 lối đi tự mở trên địa bàn huyện Vạn Ninh, Cam Lâm và TP. Nha Trang. Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh cũng lắp đặt đưa vào sử dụng hệ thống giám sát bằng hình ảnh camera với 52 chắn đường ngang có người gác. Đồng thời, nâng cấp 12 đường ngang từ biển báo lên cảnh báo có cần chắn tự động; cắm 296 biển báo hiệu “chú ý tàu hỏa” tại toàn bộ lối đi tự mở.


Đường vào mỏ đá Giốc Mơ (Ninh Hòa) được ngành Đường sắt thống nhất đóng lại trong thời gian tới.

Theo đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, tuy đã rào thu hẹp 103 lối đi tự mở, nhưng khi rào xong nhiều nơi có hiện tượng tự ý phá dỡ thu hẹp, đổ đất làm đường ngang trái phép qua đường sắt. Qua kiểm tra, có 7 lối đi tự mở bị phá rào thu hẹp, mở rộng lối đi tự mở (4 điểm tại Vạn Ninh và 3 điểm tại Ninh Hòa). “Việc tự ý tháo dỡ rào thu hẹp tại các lối đi tự mở là vi phạm hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 15 người, bị thương 13 người”, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin.

Ông Nguyễn Trọng Hiến - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, địa phương hết sức nỗ lực phối hợp với các bên liên quan để bảo đảm ATGT trên tuyến đường sắt, trong đó quan tâm đầu tư 13 gờ giảm tốc với tổng kinh phí gần 4,7 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm nay, tỉnh sẽ đầu tư thêm 4 vị trí với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Không chỉ vậy, địa phương cũng duy trì đều đặn, nghiêm túc công tác cảnh giới đường ngang tại 19 điểm, kinh phí do UBND tỉnh cấp hơn 1,6 tỷ đồng.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá, công tác phối hợp giữa địa phương và ngành Đường sắt những năm qua tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần khắc phục, đặc biệt là tình trạng vi phạm nghiêm trọng hành lang ATGT đường sắt.

"Tôi đề nghị UBND tỉnh có biện pháp cương quyết đối với hành vi tự ý tháo dỡ rào thu hẹp, quy trách nhiệm người đứng đầu xã, phường để xảy ra việc này. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đường sắt đến nhân dân; khi cấp đất cho chủ doanh nghiệp và người dân cần tính đến phương án đảm bảo ATGT khi đưa vào khai thác theo quy định; tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các vi phạm về trật tự ATGT, hành lang an toàn trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc lập hồ sơ chi tiết quản lý, theo dõi vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt, lối đi tự mở trên địa bàn, có biện pháp không để phát sinh thêm lối đi tự mở”, ông Khôi nói.

Cục Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh khẩn trương cấp điện thoại công vụ cho 19 điểm cảnh báo đường ngang do tỉnh thực hiện; thông báo giờ tàu trong ngày cho tất cả các điểm này biết. Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cũng khẳng định, sẽ sớm triển khai xây dựng đường ngang  Km1232 + 750 tại huyện Vạn Ninh; đóng đường ngang vào mỏ đá Giốc Mơ (thị xã Ninh Hòa). Đối với đường ngang tại Km1293 + 770 (xã Ninh Ích, Ninh Hòa) là đường hợp pháp do Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh quản lý đã được địa phương đầu tư đường gom, cục sẽ chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc nâng hình thức cảnh báo từ phòng vệ biển báo lên cảnh báo tự động có cần chắn.

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)