Tôn vinh người đi biển

Thứ sáu, 28/06/2019 16:01 GMT+7

Công việc của người đi biển cần được trân trọng, đáng được tôn vinh vì những công lao và đóng góp của họ cho đất nước và quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.

Từ những con thuyền gỗ chạy buồm của thủa ban đầu, cho đến những con tàu sử dụng năng lượng hạt nhân hiện đại ngày nay, từ những chiếc tàu dịch vụ nhỏ bé cho tới những con tàu khổng lồ nửa triệu tấn... đều mang dấu ấn của thuyền viên- những người đi biển!

Lịch sử cận đại Việt Nam, sử sách có ghi, cụ Trần Trọng Khiêm (1821-1866, sinh tại Phú Thọ) năm 1843 đã lên tàu xuất ngoại, được coi là người Việt đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ, sau này cụ trở thành một chỉ huy trong công cuộc chống Pháp tại Đồng Tháp.

Năm 1873, nhà ngoại giao Bùi Viện (1839-1878, sinh tại Nam Định) cũng đã lên tàu xuất ngoại, sang Mỹ tìm đồng minh để chống Pháp... Có thể nói họ là những thủy thủ đầu tiên của Việt Nam lênh đênh sóng nước đi tới nửa vòng bên kia của trái đất…!

Chúng ta có thể tìm thấy đường, phố ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam mang tên hai nhà đi biển nêu trên.

Không ai trong chúng ta không biết, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng là một thuỷ thủ, và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 6/1911, tức 108 năm trước đã lên chiếc tàu mang tên "Đô đốc La-tu-sơ Tơ-lê-vin" từ bến Nhà Rồng, với cái tên thuyền viên là "Văn Ba" ra đi tìm đường cứu nước...

Và trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ghi lại huyền thoại của đoàn tàu không số trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta xúc động đến nghẹn lòng khi các thủy thủ tự tổ chức “lễ truy điệu sống” trước giờ xuất phát. Huyền thoại vì các anh "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", khí phách ấy mãi mãi bất diệt!

Chúng ta cũng mãi ghi nhận dấu ấn và công lao của đội tàu "Giải Phóng- Tự Lực- Quyết Thắng", một bản anh hùng ca của vận tải biển Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cũng là tiền thân của các công ty vận tải biển sau này trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước.

Và lịch sử không bao giờ quên những thủy thủ đã hy sinh trong cuộc chiến bi hùng ở đảo Gạc Ma, Tây Trường Sa vào ngày 14/3/1988, đó là một trong những sự kiện vô cùng thiêng liêng trong lịch sử dân tộc, đó cũng là nơi mà chủ nghĩa anh hùng dân tộc được thể hiện một cách hào hùng nhất, bi tráng nhất. 64 thủy thủ hy sinh tại Gạc Ma ngày đó có nhiều anh mới chỉ đôi mươi, bỏ lại gia đình, người thân, ước mơ dang dở. Tổ quốc và Nhân dân mãi mãi ghi công các anh!

Ảnh minh họa

Ngày nay, thế giới với hơn 50.000 tàu thương mại chạy quốc tế, đăng ký tại hơn 150 quốc gia với khoảng 1,6 triệu người đi biển, trong đó Việt Nam có khoảng 1200 tàu chạy trong nước và quốc tế, với 3 vạn thuyền viên...

Họ là những con người lao động cần cù, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức... nhưng họ thực sự là những anh hùng của biển cả!

Thuyền viên là những con người cống hiến thầm lặng, vì biển không chỉ là biển bạc, biển không chỉ là một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của Tổ quốc, biển còn có xương máu, có mồ hôi, nước mắt của những con người ngày đêm làm việc gắn bó với biển, bảo vệ biển, đổ mồ hôi, công sức làm giàu cho Tổ quốc, cho xã hội và cho gia đình mình.

Sự hiện diện của các con tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam trên khắp các vùng biển thế giới thể hiện sự hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta. Và những con tàu vận hành bởi thuyền viên Việt Nam, trong vùng biển Việt Nam còn là sự khẳng định cao nhất về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, đó là sự khẳng định bất biến mà bao đời cha ông ta đã để lại cho hậu thế một di sản quý báu với trọng trách vô cùng lớn lao!

Bằng cách này cách khác, chúng ta hãy tôn vinh và tri ân các thế hệ thuyền viên đã và đang cống hiến cho ngành hàng hải, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…, động viên, tạo điều kiện tốt nhất cho cho sinh viên ngành đi biển- thế hệ thuyền viên tương lai.

TS. Bùi Thiên Thu

Nguồn: hoinguoidibien.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)