Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) phát biểu tại chương trình tuyên truyền
Phát biểu khai mạc Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), ông Nguyễn Văn Thạch, cho biết, Việt Nam là quốc gia ở vùng nhiệt đới gió mùa, với hơn 3.260 km bờ biển, hàng triệu đảo lớn nhỏ và hơn trăm nghìn tàu biển vận tải, tàu đánh bắt thủy sản hoạt động thường xuyên trên biển.
Để xảy ra các vụ tai nạn trên biển, ngoài những nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng của thời tiết, bão, còn có nguyên nhân chủ quan như: thuyền viên, ngư dân chưa tuân thủ các quy định an toàn đối với tàu thuyền về trang thiết bị cứu sinh, dụng cụ nổi trên tàu, thiết bị thông tin liên lạc chất lượng kém hoặc chưa lắp đặt đầy đủ cũng như quy định về tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển. Hậu quả là khi sự cố xảy ra, chủ tàu và thuyền viên rơi vào bị động, nguy hiểm đến tính mạng, công tác TKCN gặp rất nhiều khó khăn.
Gần đây, với sự phát triển của vận tải biển, các tuyến vận tải ven biển được hình thành, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, kèm theo đó là tình trạng mất an toàn, tai nạn xảy ra với các phương tiện là tàu sông pha biển (SB), tàu vận tải nhỏ và tai nạn tàu cá xảy ra nhiều hơn.
"Việc Bộ GTVT tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo đảm an toàn hàng hải cho ngư dân, thuyền viên và các đối tượng liên quan khác tại huyện Vân Đồn sẽ giúp ngư dân có được kiến thức về pháp luật và biện pháp xử lý sự cố trên biển, yên tâm vươn khơi, góp phần phát triển kinh tế", ông Thạch nói.
Thay mặt huyện Vân Đồn, ông Châu Thành Hưng– Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn nhấn mạnh Huyện Vân Đồn là một trong những địa phương có số phương tiện tham gia hoạt động giao thông đường thủy nội địa đa dạng. Hiện nay, trên địa bàn Vân Đồn có 08 cảng, bến khách thuỷ nội địa; 21 phương tiện vận tải hàng hoá; 1 phương tiện vận chuyển xăng, dầu; 70 phương tiện vận chuyển hành khách tuyến Vân Đồn - Cô Tô. Bên cạnh đó, Vân Đồn còn có Cảng Cái Rồng là một trong những cảng bến có hoạt động “2 trong 1”, vừa là cảng dân sinh, vừa là cảng khách đi các tuyến Quan Lạn, Cô Tô… Vì vậy, nhiệm vụ quản lý, điều hành phương tiện hợp lý, đảm bảo ATGT phải luôn đặt lên hàng đầu.
Về phía Cục Hàng hải Việt Nam, ông Lê Vinh Quang - Phó phòng An toàn an ninh Hàng hải đã có bài phổ biến một số thông tin về việc đảm bảo an toàn hàng hải đối với tàu vận tải nhỏ, SB, tàu du lịch, tàu cá.
Đồng thời, các cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải VN triển khai phổ biến các quy định về công tác đảm bảo ATGT hàng hải (trách nhiệm của thuyền trưởng, thuyền viên và định biên an toàn trên tàu, các quy định về bảo đảm trang thiết bị an toàn trên tàu, liên lạc hỗ trợ khi gặp phải tình huống xấu trên biển…).
Bác sỹ thuộc Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải VN
hướng dẫn bà con ngư dân sơ cấp cứu vết thương khi gặp sự cố trên biển
Cùng đó, lực lượng cứu nạn hướng dẫn lý thuyết và thực hành xử lý tình huống khi gặp sự cố, tai nạn của các tàu vận tải khi đang trong hành trình trên biển như: các bệnh hay gặp, khám sức khỏe trước khi đi đánh cá, sơ cấp cứu y tế trên biển; Cách nhận biết các đèn hiệu của các tàu vận tải khi đang trong hành trình trên biển, xử lý tình huống khi gặp sự cố, tai nạn, thực hành các phương pháp chống chìm.
Để động viên cho 200 thuyền viên, bà con ngư dân tại các huyện Vân Đồn, huyện Cẩm Phả và huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh tham dự chương trình, Bộ GTVT đã trao tặng một số áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi và bộ tài liệu tuyên truyền về công tác an toàn hàng hải.
Đại diện Bộ GTVT và địa phương trao tặng áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh
cho bà con ngư dân huyện Vân Đồn và các huyện lân cận
Kết thúc chương trình, ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Thường trực - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh đã có phát biểu bày tỏ sự quan tâm tới công tác đảm bảo an toàn cho các phương tiện tàu vận tải nhỏ, tàu SB, tàu du lịch, tàu cá do hệ thống giao thông thủy phức tạp, bao gồm cả tuyến hàng hải và nội địa tại tỉnh và cảm ơn sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải tới công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật hàng hải, đường thủy nội địa cho bà con ngư dân tại địa phương.