Trung tâm Điều hành quản lý bay Đà Nẵng của VATM
Thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn bay
6 đầu năm 2019 là thời kỳ cao điểm, tần suất bay cao với các hoạt động bay trong các dịp lễ, Tết, sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội. Đây cũng là thời gian bắt đầu lịch bay mùa hè với tính chất bay đa dạng, phức tạp; mật độ hoạt động tàu bay tiếp tục tăng cao tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh cùng với tình hình thời tiết những tháng đầu năm không thuận lợi, diễn biến phức tạp gây nhiều ảnh hưởng đến công tác điều hành bay.
Cũng bắt đầu từ tháng 01/2019, Hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên, trở thành hãng hàng không thứ 5 chính thức tham gia vào thị trường bay nội địa và quốc tế.
Để vượt qua “áp lực”, VATM đã thực hiện tốt công tác phối hợp hiệp đồng, điều hành bay đúng quy định, đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm.
Nhiều giải pháp đã được thực hiện. Đó là việc VATM toàn thành công tác chuẩn bị và đã thực hiện áp dụng tiêu chuẩn phân cách giám sát ATS tối thiểu 3NM trong vùng trời khu vực sân bay Đà Nẵng từ ngày 20/6/2019; hoàn thành xây dựng và đã được Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) phê duyệt phương án phân chia phân khu kiểm soát mặt đất tại sân bay Tân sơn Nhất, áp dụng từ ngày 07/11/2019.
Để đảm bảo an toàn hoạt động bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, VATM đã nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện tổng hợp các sơ đồ phương thức bay mới, phương án vùng trời khu vực tiếp cận mới tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tổng công ty đã thực hiện chuyển đổi các sơ đồ phương thức bay PBN và sơ đồ phân chia phân khu TMA tại sân bay Tân Sơn Nhất từ đơn vị bộ/dặm hải lý (FT/NM) sang đơn vị met/kilomet (M/KM).
Hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các sơ đồ phương thức bay và các nội dung có liên quan khác của Tổng công ty để phục vụ đưa vào khai thác đường cất hạ cánh mới tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, áp dụng từ ngày 18/7/2019.
VATM được Cục HKVN chấp thuận việc chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác sử dụng các bộ cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử hàng không (eTOD) của 4 sân bay Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc cho mục đích tổ chức vùng trời, thiết kế phương thức bay, sơ đồ/bản đồ hàng không, không lưu, kỹ thuật trong khu vực 4 sân bay trên. Chính thức tham gia dự án ATFM đa điểm nút mức 2 của Tổng công ty, đề nghị Cục HKVN chấp thuận chính thức tham gia dự án (chính thức từ tháng 9/2019) và ban hành quy trình khai thác chung dự án ATFM đa điểm nút mức 2.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của các Hãng Hàng không VATM đã triển khai thực hiện phương án làm thủ tục bay từ xa cho các chuyến bay của các Hãng hàng không Vietjet, Vietnam Airlines và Bamboo. Đồng thời, thực hiện phương thức khai thác tạm thời đường bay ngắm cảnh khu vực Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế của Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/7/2019.
Nữ kiểm soát viên không lưu
Vượt lên áp lực
Ngành Hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đều đạt 2 con số. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đặt ra nhiều “áp lực” đối với công tác bảo đảm an toàn bay từ an ninh, an toàn; thông báo tin tức hàng không – tìm kiếm cứu nạn, khí tượng, kỹ thuật...
Để bảo đảm đảm bảo điều hành bay an toàn 100% các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm được giao, VATM kiểm tra và duy trì nghiêm các chế độ trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, kịp thời xử lý các tình huống.
Theo lãnh đạo Tổng công ty, VATM thực hiện phương án phân chia phân khu kiểm soát mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 07/11/2019 theo kế hoạch đã được phê duyệt một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, triển khai thực hiện phương án thiết lập khu vực kiểm soát vùng trung tận (TMA) của Cát Bi và Vân Đồn nhằm tối ưu hóa vùng trời, bảo đảm an toàn cho các hoạt động bay.
Được biết, VATM đang hoàn thiện các nội dung liên quan chuẩn bị cho việc công bố chính thức tham gia dự án ATFM phân phối đa điểm nút khu vực mức 2 dự kiến giữa tháng 8/2019. Nhiều giải pháp kỹ thuật như thực hiện đồng bộ các giải pháp, duy trì nghiêm túc công tác kiểm tra, theo dõi, đảm bảo các trang thiết bị kỹ thuật hoạt động thường xuyên, ổn định liên tục phục vụ công tác điều hành bay; thực hiện việc xin cấp giấy phép sử dụng tần số, giấy phép khai thác và tu chỉnh tài liệu hướng dẫn khai thác cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; rà soát, hoàn thiện và cập nhật, bổ sung các văn bản quản lý nội bộ liên quan đến công tác quản lý kỹ thuật (Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị ghép kênh, VCCS)...cũng được rốt ráo thực hiện.
Hiện nay, các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của Tổng công ty như: Dự án đầu tư thay thế 05 Trạm Radar Cam Ranh, Cà Mau, Vinh, Quy Nhơn, Nội Bài; Dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh ATCC/HCM mới, Dự án Trung tâm kiểm soát tiếp cận - Đài kiểm soát không lưu Đà Nẵng; Nhà điều hành Công ty Quản lý bay miền Trung; Dự án các Đài Kiểm soát không lưu Phù Cát, Chu Lai, Buôn Ma Thuột cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Bằng các giải pháp hiệu quả, mục tiêu của VATM là bảo đảm an toàn tuyệt đối các chuyến bay. góp phần vào sự phát triển của ngành HKVN nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước./.
Ngô Đức Hành