Tại buổi làm việc, PGS.TS. Đồng Văn Hướng và đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Allsea đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, Trường ĐH GTVT TP.HCM và Công ty Cổ phần Allsea cùng hợp tác tuyển học viên đào tạo mới, đào tạo lại và nâng cao, huấn luyện chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên ngành hàng hải đạt chuẩn STCW-2010, tổ chức, đánh giá, cấp chứng chỉ cho học viên đạt yêu cầu…..
Đại diện Công ty CP Allsea, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty, cho biết, việc hợp tác giữa hai bên là bước khởi đầu tốt đẹp cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cung cấp cho ngành hàng hải trong nước và thế giới. PGS.TS Đồng Văn Hướng cũng mong muốn doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà trường, định hướng nghề nghiệp cho các em sinh viên, tăng cường chế độ đãi ngộ cho sinh viên sau khi ra trường, cùng tháo gỡ những khó khăn để phát triển ngành.
PGS.TS Đồng Văn Hướng mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà trường
để phát triển ngành hàng hải
Đại diện hai bên cùng ký thỏa thuận hợp tác
Việt Nam có hơn 3.000km bờ biển và khoảng 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, lại nằm trên hành lang vận tải đông - tây nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển. Việc đào tạo nhân lực ngành hàng hải chất lượng cao luôn được xem là nền tảng quan trọng. Do đó, ngành hàng hải trong thời gian tới cần phải tăng cường gắn kết giữa các doanh nghiệp vận tải biển với các cơ sở đào tạo.
Đến năm 2020, công tác đào tạo và bồi dưỡng sẽ phải đạt khoảng 42.000 sĩ quan, thuyền viên chất lượng cao; trong đó đào tạo mới khoảng 15.000 người (7.000 người bổ sung theo yêu cầu phát triển đội tàu và 8.000 người thay thế lực lượng hiện có - theo báo cáo của Công trình nghiên cứu "Nâng cao chất lượng nhân lực hàng hải Việt Nam đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" của TS Nguyễn Đức Ca và ThS Đinh Văn Thái - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam). Nhu cầu nhân lực hàng hải Việt Nam hiện nay rất lớn. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tuyển mỗi năm từ 250-300 sinh viên cho ngành đi biển.