Thượng tá Nguyễn Trọng Thắng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau nửa tháng (từ ngày 14 đến 29/7) thực hiện đợt cao điểm ra quân tuần tra kiểm soát các phương tiện tham gia giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện 178 trường hợp người điều khiển xe máy, mô tô không có GPLX hoặc GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, còn phát hiện hơn 100 trường hợp vi phạm về tốc độ, hơn 70 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. “Người điều khiển phương tiện không có GPLX sẽ cực kỳ nguy hiểm, bởi họ chưa được đào tạo bài bản dẫn đến năng lực, nhận thức về Luật Giao thông đường bộ bị hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Các trường hợp không có GPLX hầu hết rơi vào người chưa đủ tuổi được điều khiển phương tiện. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp trước đó đã bị tạm giữ GPLX do vi phạm giao thông”, Thượng tá Nguyễn Trọng Thắng nói.
Tình trạng người điều khiển xe máy vi phạm giao thông đang có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 960.000 xe mô tô, xe máy. Trong khi đó, dân số trên địa bàn tỉnh là hơn 1,2 triệu người. Như vậy, gần như bình quân mỗi người có một chiếc xe mô tô. Thế nhưng, hiện tại, theo Sở Giao thông vận tải, toàn tỉnh chỉ có hơn 520.000 GPLX mô tô. Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, con số chênh lệch giữa phương tiện đăng ký và GPLX là một điều đáng lưu tâm, dù rằng chưa có một thống kê nào chính xác là có bao nhiêu người có phương tiện mà chưa có GPLX. Nhiều trường hợp phương tiện hư hỏng, bị tiêu hủy hay một người có thể có nhiều xe nhưng rõ ràng thực tế trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện không ít trường hợp người lái không có GPLX.
“Trong các buổi làm việc với các địa phương, Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên đề nghị lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm đối với người điều khiển phương tiện không có GPLX. Đặc biệt, đối với các trường học trên địa bàn, nhất là cấp THPT lãnh đạo các trường cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, xe mô tô. Đây cũng là đối tượng điều khiển phương tiện khi chưa có GPLX nhiều nhất mà lực lượng chức năng phát hiện được”, ông Dần nói.
Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 46 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa. Ngoài ra, tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đã xảy ra, trong đó có nhiều trường hợp không có GPLX. Đã đến lúc các cấp, ngành cần quyết liệt vào cuộc để giải quyết vấn đề này nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.