Để huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, ngành Hàng hải đã và đang nghiên cứu đề xuất các giải pháp mang tính đột phá nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau (ODA, phát hành trái phiếu, công trái, BOT, PPP, chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan...) để phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải.
Ảnh minh họa
Thu hút nguồn vốn xã hội hóa chia sẻ gánh nặng ngân sách
Việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là một nhiệm vụ cấp thiết nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa chia sẻ gánh nặng ngân sách, đáp ứng đòi hỏi về đầu tư kết cấu hạ tầng ngành Hàng hải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Các bến cảng biển hiện nay hầu hết do doanh nghiệp đầu tư khai thác. Hiện nay, mới chỉ có một số bến cảng do Nhà nước đầu tư cho thuê khai thác như: Cảng Cái Lân, An Thới, Cái Mép - Thị Vải. Thời gian tới, một số cảng như Chùa Vẽ, Lạch Huyện sẽ tiếp tục cho thuê.
Đối với các bến cảng giao cho các doanh nghiệp nhà nước quản lý khai thác hiện cũng đang được thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Một trong những thành tựu đạt được của hệ thống cảng biển Việt Nam đã cơ bản hình thành, tạo nên mạng lưới cảng biển trên toàn quốc với các cảng biển có chức năng khác nhau, bao gồm cảng biển tổng hợp quốc gia, cảng địa phương, khu vực, cảng cửa ngõ cho các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, Trung và miền Nam. Đến nay, các cảng tổng hợp trọng điểm đã được đầu tư theo đúng quy hoạch được phê duyệt, chẳng hạn như cảng Cái Lân, Hải Phòng, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, Thị Vải, Sài Gòn, Cần Thơ.
Thời gian qua, chúng ta đã tận dụng nguồn vốn ODA để hoàn thành đầu tư các cảng trọng điểm ở 3 miền như: Cái Lân (Quảng Ninh - miền Bắc); Tiên Sa (Đà Nẵng - miền Trung) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu - miền Nam). Hệ thống cảng biển đã cơ bản đảm bảo thông qua lượng hàng xuất nhập khẩu và giao lưu giữa các vùng miền trong nước bằng đường biển, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tập đoàn hàng hải và khai thác cảng biển hàng đầu thế giới chọn Việt Nam là bến đỗ
Một điểm sáng trong việc huy động các nguồn lực đầu tư khác vào hạ tầng cảng biển thời gian qua là nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển như: Hutchison, PSA, DP World, SSA, Maersk A/S, CMA-CGM…
Đây là nền tảng rất thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn hàng hải và khai thác cảng biển hàng đầu thế giới. Có thể kể ra một vài bến cảng được đầu tư lớn, quy mô hiện đại như: Cái Lân (Quảng Ninh - vốn ODA); Tiên Sa (Đà Nẵng - vốn ODA); bến cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (BRVT - vốn ODA); bến cảng container Tân Cảng Cát Lái (Công ty Tân Cảng - Bộ Quốc phòng); bến cảng container Trung tâm Sài Gòn SPCT (Liên doanh với DP World - Ả rập Saudi); bến cảng container quốc tế Sài Gòn Việt Nam SITV (Liên doanh với Hutchison Hongkong); bến cảng quốc tế SP-PSA (Liên doanh với PSA Singapore); bến cảng container quốc tế Cái Mép CMIT (Liên doanh với APMT Đan Mạch); bến cảng container quốc tế Cảng Sài Gòn SSA (Liên doanh với SSA Marine - Mỹ); bến cảng container quốc tế Tân Cảng Cái Mép (Liên doanh với Mitsui O.S.K line - Nhật Bản, Hanjin Shipping Line - Hàn Quốc và Wanhai Lines - Đài Loan (Trung Quốc));
Thời gian qua, khu cảng Cái Mép - Thị Vải đã tổ chức đón thành công các tàu container thế hệ mới nhất hiện nay, tàu container 157.000 DWT sức chở đến 14.000 TEU hoặc tàu có chiều dài đến 367m đã thử nghiệm thành công vào và rời các bến cảng tại Cái Mép - Thị Vải an toàn. Thành công của việc tiếp nhận các tàu mẹ này là cơ sở để các hãng tàu hàng đầu thế giới thiết lập các tuyến vận tải trực tiếp từ Cái Mép - Thị Vải đến Mỹ và châu Âu và dần hình thành khu cảng cửa ngõ, đầu mối mang tính chất trung chuyển quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ bốc xếp, trừ một số bến cảng mới đầu tư gần đây như Cảng Cái Lân (Quảng Ninh), Chùa Vẽ (Hải Phòng), Tiên Sa (Đà Nẵng), Tân Cảng, VIC, Bến Nghé, Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh), Bến cảng Quốc tế Sài Gòn - Việt Nam - SITV, Bến cảng Quốc tế SP-PSA, Bến cảng Quốc tế Cái Mép - CMIT, Bến cảng Container quốc tế SP - SSA (Bà Rịa - Vũng Tàu)... đã trang bị một số phương tiện thiết bị xếp dỡ hiện đại, chuyên dụng container, còn lại hầu hết các cảng biển Việt Nam chủ yếu sử dụng thiết bị bốc xếp thông thường, thô sơ hoặc cần cẩu tàu là chính. Trừ một số bến mới được xây dựng đưa vào khai thác gần đây được trang bị các thiết bị xếp dỡ tương đối hiện đại, còn lại hầu hết các bến cảng vẫn sử dụng các thiết bị bốc xếp thông thường, quản lý điều hành quá trình bốc xếp bảo quản giao nhận hàng hóa với kỹ thuật công nghệ lạc hậu nên năng suất xếp dỡ của các cảng rất thấp.
Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách để đầu tư cho hệ thống cảng biển tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ với sự tham gia của các hãng tàu lớn trên thế giới, hàng loạt cảng liên doanh ra đời đã làm thay đổi bộ mặt hệ thống cảng biển Việt Nam, điển hình là các cảng trên khu vực sông Cái Mép - Thị Vải… Vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước khoảng 7,88 tỷ USD (trong đó bao gồm nguồn vốn FDI và nguồn vốn doanh nghiệp tự huy động). Đặc biệt, có những dự án tỷ lệ vốn góp của nước ngoài trong liên doanh đạt đến tỷ lệ 80% (cảng VICT). Ngoài ra, hệ thống cảng biển chuyên dùng cũng thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách đáng kể với việc hình thành cảng cụm công nghiệp hiện đại, có quy mô lớn (ví dụ: Khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng - Sơn Dương, Dung Quất, Trà Vinh…). Để thu hút được nguồn vốn này, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn xã hội khác (ngoài ngân sách nhà nước) bằng nhiều hình thức như BOT, BT, PPP, các chính sách ưu đãi trong hoạt động kinh doanh, khai thác cảng biển...
Tháo gỡ cơ chế nhằm thu hút đầu tư
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ thu hút nguồn vốn đầu tư, đơn cử như Nghị định số 108/2009/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP ra đời đã tạo ra một hướng đi mới trong công tác xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và kết cấu hạ tầng hàng hải nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay trong lĩnh vực hàng hải mới triển khai được rất ít dự án theo hình thức này, ví dụ như: Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) theo hình thức PPP; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống VTS luồng Hải Phòng theo hình thức BT; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến luồng kênh Tráp; Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến luồng cho tàu 5.000 DWT đầy tải và 10.000 DWT giảm tải qua cửa Định An.
Kết cấu hạ tầng hàng hải thời gian qua được đẩy mạnh, việc huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách thông qua các chính sách như làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, thể hiện bằng việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về danh mục các dự án đầu tư thực hiện xã hội hóa; xây dựng trang web xúc tiến đầu tư... Đối với việc tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với việc đầu tư và kinh doanh khai thác hàng hóa container cần xem xét nâng tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài lên trên 50% (theo cam kết WTO, việc kinh doanh khai thác hàng hóa bằng container là ngành nghề kinh doanh có điều kiện với tỷ lệ góp vốn của đối tác nước ngoài dưới 50%). Nguồn vốn đầu tư cảng biển tương đối lớn, do đó cần đẩy mạnh đầu tư theo hình thức PPP đối với những công trình trọng điểm. Tuy nhiên, để tăng tính thu hút các nhà đầu tư tham gia theo hình thức này thì Nhà nước cần tăng tỷ lệ vốn hỗ trợ đảm bảo cho dự án khả thi về tài chính nhằm thu hút đầu tư theo hình thức PPP.
Quá trình thực hiện chuyển nhượng quyền khai thác các cảng do Nhà nước đầu tư xây dựng và đang thực hiện quản lý cho thuê như: Cảng Cái Lân, Cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng), Cảng ODA Cái Mép - Thị Vải và các cảng thuộc các địa phương, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam để thu hồi vốn đầu tư xây dựng các cảng khác. Đồng thời, Chính phủ cần xem xét việc thu ngân sách nhà nước đối với phí cầu bến đối với những cầu bến cảng do Nhà nước đầu tư để tạo nguồn tái đầu tư lại cơ sở hạ tầng; có chính sách bảo lãnh doanh thu tùy thuộc vào quy mô dự án... để đảm bảo hiệu quả của dự án; đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt đối với những ngành nghề xã hội có thể làm được.