Nhà xe chật ních xe gắn máy của học sinh
Chúng tôi tiếp xúc với nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu để xem cách nhà trường thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, nhất là việc quản lý học sinh đi học bằng xe gắn máy. Hầu hết đại diện các trường đều cho rằng đã triển khai đầy đủ các nội dung như: tổ chức mô hình cổng trường ATGT, cho học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông, tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thậm chí là răn đe, uốn nắn ngay đối với các em có biểu hiện vi phạm Luật Giao thông.
Theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành, chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên, có GPLX được lái mô tô, xe gắn máy dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề ATGT học đường, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (thị xã Giá Rai) đã cho học sinh ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự ATGT từ ngày 31/8. Tờ cam kết này có chữ ký xác nhận của phụ huynh phía dưới dòng chữ “Cam kết về việc không giao xe máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và các quy định khác theo Luật ATGT hiện hành”.
Bên cạnh việc quản lý, nhắc nhở tại lớp, giám sát của tổ trực cổng, trường còn tổ chức loa phát thanh ATGT giữa giờ. “Trường tuyệt đối cấm học sinh lái xe máy khi chưa đủ tuổi, năm học trước, đã có 3 em bị hạ hạnh kiểm yếu vì bị phát hiện vi phạm Luật Giao thông”, ông Lê Quốc Vụ Khanh - Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Trung Trực cho biết. Tuy nhiên theo quan sát, số lượng học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực đi học bằng xe gắn máy chiếm khá đông, mỗi buổi học, nhà xe học sinh chứa khoảng 200 chiếc xe gắn máy, bao gồm xe dưới và trên 50cm3 khối, đậu kín hai dãy nhà xe.
Còn đối với Trường THPT Giá Rai, đại diện Ban giám hiệu nhà trường đánh giá: “Học sinh trường này khá ngoan, chúng tôi chưa nghe báo cáo gì về tình trạng học sinh điều khiển xe gắn máy đến trường khi chưa đủ tuổi”. Hàng năm, Trường THPT Giá Rai có tổ chức thống kê, quản lý số học sinh đi học bằng xe gắn máy, tỷ lệ cho thấy chiếm từ 40 - 60% sĩ số lớp. Năm học 2019 - 2020, việc này chưa được trường thực hiện. Được biết, cách đây vài năm, có trường hợp học sinh của trường điều khiển xe gắn máy đi học và xảy ra tai nạn đã tử vong.
Một nhóm học sinh đi xe gắn máy tụ tập dưới lòng đường giờ tan học.
Cảnh sát giao thông TP. Bạc Liêu lập biên bản học sinh vi phạm Luật Giao thông
Vô tư ký… biên bản
Giờ tan trường trưa 6/9, hơn 10 học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực và THPT Giá Rai đã bị Đội Cảnh sát giao thông, Trật tự (Công an thị xã Giá Rai) lập biên bản vi phạm. Việc đầu tiên của các em là gọi cho phụ huynh. Hầu hết phụ huynh đến đón con sau cuộc điện thoại “cầu cứu” đều khá thản nhiên, kiểu như đã dự báo được trước tình huống này. Một phụ huynh cho biết: “Biết là vi phạm pháp luật rồi, nhưng chúng tôi còn phải đi làm. Lịch học tụi nhỏ kín mít, làm sao có thể bỏ công việc theo đưa rước con em đầy đủ được. Đi xe ôm thì tốn kém chịu không thấu nên đành đưa xe cho nó tự đi thôi. Lánh né được lúc nào thì lánh né, bị phát hiện thì đành chịu chớ biết sao giờ”.
Tại thành phố Bạc Liêu, số học sinh vi phạm cũng không ít. Chỉ trong 20 phút theo chân lực lượng chức năng đóng chốt kiểm tra, chúng tôi ghi nhận hàng chục trường hợp được phát hiện. Có 6 em học sinh lái xe dưới 50cm3 và 2 em lái xe trên 50cm3 là học sinh Trường THPT Bạc Liêu và THPT Phan Ngọc Hiển bị tạm giữ xe. Một vài bàn tay học trò cầm viết ký biên bản một cách nhẹ tênh! Theo tổ công tác, số lượng bắt được chỉ là số nhỏ so với thực tế.
Học sinh vi phạm Luật Giao thông là một trong những vấn đề quan tâm của toàn xã hội, bởi mức độ gia tăng nguy cơ tai nạn và nhiều hệ lụy sau đó. Để ngăn chặn tình trạng này, rất cần một quan điểm đúng đắn, kiên quyết của phụ huynh, sự phối hợp đủ trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường với lực lượng chức năng.
Hạnh kiểm yếu khi vi phạm Luật Giao thông
Tại khoản đ, Điều 4, Chương II Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT ghi rõ, học sinh THCS và THPT vi phạm an toàn giao thông sẽ bị xếp hạnh kiểm yếu.