Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ sau mưa, lũ.
Hiện nay cả nước đang trong mùa mưa bão, nhiều khu vực bị sạt lở, lũ lụt gây ngập các tuyến đường bộ, nhưng nhiều nhất là mặt đường bị hư hỏng, vỡ tạo ra các hố sâu (ổ gà, ổ voi), đọng nước gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người, phương tiện tham gia giao thông. Một số trường hợp người dân, truyền thông đã phản ánh về các tồn tại này nếu không kịp thời khắc phục.
Công điện nêu rõ, để bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão và lũ lụt còn diễn ra từ nay tới cuối năm trên cả nước. Đối với hệ thống đường quốc lộ (bao gồm cả đường cao tốc do Trung ương quản lý), Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, các Sở GTVT, Sở GTVT-Xây dựng quản lý quốc lộ, các Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT, VEC và các quan, tổ chức đang được giao là người quản lý sử dụng đường quốc lộ chủ động, tích cực chỉ đạo các bộ phận trực thuộc, các nhà thầu và có văn bản chỉ đạo, đề ra các giải pháp cụ thể, phân công rõ để thực hiện việc tăng cường kiểm tra, theo dõi, tuần đường, tuần kiểm đường bộ để sớm phát hiện ngay khi các hư hỏng xuất hiện trên mặt đường và các hư hỏng khác.
Bên cạnh đó, báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền đối với các hư hỏng, cụ thể: Cán bộ tuần đường, cán bộ nhân viên làm công tác duy tu, bảo dưỡng báo cáo nhà thầu bảo dưỡng và cán bộ tuần kiểm; nhà thầu bảo dưỡng báo cáo cơ quan quản lý đường đã ký hợp đồng giao thầu bảo dưỡng và thông báo với tuần kiểm viên; cơ quan quản lý đường, doanh nghiệp BOT có văn bản chỉ đạo xử lý, trường hợp cần thiết báo cáo Tổng cục ĐBVN nếu các hư hỏng vượt quá khả năng giải quyết. Đồng thời các đơn vị quản lý đường và nhà thầu bảo dưỡng phải cập nhật ngay thông tin hư hỏng vào “ Nhật ký tuần đường ”, hồ sơ quản lý đường, các phần mềm GOV.ONE và các công cụ lưu trữ quản lý đường khác.
Đối với nhà thầu quản lý bảo dưỡng đường bộ nếu không thực hiện đúng hợp đồng, tiêu chuẩn bảo dưỡng, quy trình bảo trì, Thông tư 04/2019/TT-BGTVT về tuần đường và tuần kiểm đường bộ, thì phải kiên quyết xử lý hành chính, xử lý tài chính (trừ tiền), báo cáo để Tổng cục ĐBVN xem xét cấm hoặc trừ điểm khi lựa chọn thực hiện các gói thầu sau này; Đối với đơn vị, cá nhân thuộc Cục, Sở, Doanh nghiệp làm chủ dự án (chủ sở hứu hoặc người quản lý sử dụng công trình) thì các cơ quan, đơn vị này phải tự xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
Về sửa chữa khắc phục các hư hỏng, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên chỉ đạo sửa chữa ngay các hư hỏng trên mặt đường, các vị trí ngập nước với tiến độ như sau:
Thời tiết nắng ráo, khô tạnh mưa: Phải sửa chữa bằng kết cấu mặt đường hiện hữu hoặc theo tiêu chuẩn quy định, thời gian hoàn thành trong phạm vi 3-5 ngày đối với quốc lộ, riêng các hố sâu trên 10 cm không để tồn tại quá 1 ngày (trường hợp đặc biệt chưa khắc phục được hố sâu thì phải có biện pháp cảnh báo). Đối với đường ô tô cao tốc phải hoàn thành sửa chữa trong phạm vi 2 ngày, riêng các hố sâu hơn 10 cm phải dặm vá ngay bằng vật liệu để khắc phục mất ATGT do xe chạy tốc độ cao trên cao tốc.
Trường hợp mặt đường xuất hiện hư hỏng nhưng trời mưa trên các quốc lộ phải sử dụng kết cấu chống được nước, hoặc dùng cấp phối đá dăm, đá dăm tiêu chuẩn (loại 1 x 2 cm, 2 x 4 cm hoặc nhỏ hơn), cấp phối cuội sỏi để lấp vào các hố lún lõm, ổ gà để đảm bảo giao thông tạm. Khi hết mưa trong phạm vi 3 -5 ngày phải hoàn thành việc sửa chữa (cắt, dùng máy nén khí làm khô miếng vá, tưới dính bám, vá, lu lèn móng mặt đường) như kết cấu hiện hữu hoặc theo tiêu chuẩn quy định.
Đối với đường cao tốc thì phải dùng các loại vật liệu thích hợp (bê tông nhựa nguội hoặc vật liệu thích hợp khác) để vá tạm. Không cho phép dùng vật liệu rời rạc để vá tạm khi điều kiện thời tiết còn mưa. Trong phạm vi không quá 2 ngày khi hết mưa phải sửa chữa lại mặt đường bằng bê tông nhựa hoặc tương đương.
Các tồn tại như cống, rãnh bị tắc phải khắc phục ngay cả khi trời còn mưa.
Công điện cũng nêu rõ, việc thực hiện sửa chữa khắc phục các hư hỏng nêu trên thuộc phạm vi hợp đồng và vốn quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ. Trường hợp vượt quá quy định cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
Đối với các nội dung hư hỏng lớn hơn (vượt BDTX) về sạt, lở nền đường, ta luy dương, ta luy âm và các hư hỏng khác do thiên tai thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai trong ngành đường bộ.
Đối với các gói thầu sửa chữa trên đường đang khai thác: Phải yêu cầu nhà thầu triển khai thi công nhanh, gọn, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Nhà thầu không thực hiện biện pháp đảm bảo giao thông phải trừ một phần hoặc toàn bộ dự toán chi phí “hạng mục chung” tùy theo mức độ vi phạm, đồng thời kiên quyết xử lý nhà thầu vi phạm.
“Chủ động thông tin cho người tham gia giao thông, kể cả cắm biển báo hiệu đoạn đường hư hỏng do thiên tai đang sửa chữa để người dân chia sẻ khó khăn và giảm bức xúc”- Tổng cục ĐBVN yêu cầu.
PV