Đề án “Tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025” gồm 4 chương, nêu rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án; thực trạng quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh; quan điểm, mục tiêu, giải pháp và nguồn lực thực hiện. Theo Dự án, giai đoạn 2020-2025, tỉnh dự kiến đầu tư trên 132,8 tỷ đồng cho việc quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ trên địa bàn. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020, chấm dứt các vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt mới phát sinh; giải quyết ít nhất 20% các tồn tại, vi phạm. Năm 2021, duy trì bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt sau xử lý, giải tỏa; giải quyết ít nhất 20% các tồn tại, vi phạm. Đến năm 2025, duy trì bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt sau xử lý, giải tỏa; giải quyết xong các tồn tại, vi phạm còn lại.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, những năm qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt chỉ đạo lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn giao thông, thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đến nay, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ và tự giác chấp hành.
Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng các công trình trái phép trong hành lang an toàn giao thông diễn ra rất nghiêm trọng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh dẫn đến mất trật tự, mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và phát sinh tai nạn giao thông, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, các đại biểu thống nhất cần thiết phải ban hành Đề án Tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn về sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn ban hành Đề án; xem xét các mục tiêu đề ra để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện Đề án; nên giới hạn các loại đường; điều chỉnh các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp cho việc cắm mốc; giải tỏa hành lang an toàn giao thông; bồi thường, giải phóng trong hành lang an toàn giao thông; xây dựng đường gom, đường giao cắt. Đề án cũng cần công khai, minh bạch từng tuyến đường trên địa bàn tỉnh; quy định rõ từng loại đường và nhiệm vụ thực hiện cụ thể, gắn với quy định cụ thể đối với người tham gia giao thông...
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và có giá trị cao, MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp, kiến nghị với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, bổ sung hoàn thiện Đề án. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, làm căn cứ để có quyết định đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.