Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được duy trì với nhiều hình thức và nội dung phong phú; công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT được tăng cường trên các lĩnh vực. Nhờ đó, so với cùng kỳ năm 2018, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Sơn La đã giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 94 vụ tai nạn giao thông làm chết 56 người, bị thương 81 người; so với năm 2018, số vụ giảm 11 vụ (giảm 10,5%), số người chết giảm 7 người (giảm 11,1%), số người bị thương giảm 2 người (giảm 2,4%).
Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Sông Mã) kiểm tra phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Phạm Tuấn
Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, nhất là việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về TTATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên loa truyền thanh tại các khu đông dân cư, ngã ba, ngã tư và các điểm đăng ký xe, xử lý vi phạm. Tổ chức hơn 6.900 hội nghị tập huấn, mít tinh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm TTATGT, với tổng số hơn 614.500 lượt người tham gia; các đội tuyên truyền, chiếu bóng lưu động tổ chức 583 buổi chiếu phim kết hợp tuyên truyền về TTATGT. Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các đơn vị liên quan tặng mũ bảo hiểm cho 32.349 em học sinh lớp 1 năm học 2019 - 2020; tặng 375 mũ bảo hiểm, 221 suất quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích cao trong học tập, không vi phạm pháp luật về TTATGT; 100% các đơn vị giáo dục tổ chức cho giáo viên, học sinh tham gia cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”.
Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố đều tổ chức Lễ ra quân an toàn giao thông năm 2019; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT bằng nhiều hình thức như: Phát hành, treo trên 650 băng rôn, khẩu hiệu, áp phích; phát trên 5.200 tờ rơi tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, các thông điệp phê phán các hành vi gây mất TTATGT, không phù hợp với “Văn hóa giao thông”, hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông cho người điều khiển phương tiện xe cơ giới...
Trong công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo trì đường bộ; thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng cầu đường, khắc phục hậu quả lũ bão, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Các bến xe khách, các đơn vị vận tải khách duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách. Tiếp tục chấn chỉnh việc quản lý thiết bị giám sát hành trình đối với các xe vận tải khách; tuyên truyền, giáo dục đội ngũ lái, phụ xe nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ hành khách, không chở quá số người quy định, sau khi uống rượu, bia không lái xe...
Một thực tế đặt ra hiện nay là sự “bùng nổ” phương tiện cơ giới đã tạo ra bất cập về năng lực kết cấu hạ tầng, bất cập về nhận thức và ý thức người tham gia giao thông, tiềm ẩn gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông. Hiện nay, toàn tỉnh quản lý 569.936 xe mô tô, 23.437 xe ô tô, 10.065 xe máy điện, 555 máy thi công công trình và 1.327 phương tiện đường thủy. Mặt khác, số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn vẫn ngày càng gia tăng, riêng trong tháng 10 có 3.764 phương tiện đăng ký mới. Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT; tăng cường xử lý các lỗi vi phạm về TTATGT như: Chở quá tải trọng xe, sử dụng rượu, bia, sử dụng ma túy, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vi phạm về tốc độ xe chạy... 10 tháng, toàn tỉnh xử lý trên 13.000 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước hơn 17,1 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2018, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, tuy nhiên tai nạn giao thông trên địa bàn vẫn ở mức cao và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông còn hạn chế, như: Đi không đúng phần đường, chạy quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát, không giữ khoảng cách an toàn...
Để đảm bảo mục tiêu kéo giảm các tiêu trí về tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2019, các ngành chức năng của tỉnh; các huyện, thành phố tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT nhằm nâng cao và thay đổi căn bản nhận thức, ý thức của người tham giao giao thông trên địa bàn. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT trên các lĩnh vực, trọng tâm là nâng cao hơn nữa chất lượng vận tải hành khách; thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa; thực hiện giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo kế hoạch của UBND tỉnh và Chính phủ. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý xe hết niên hạn sử dụng, xe không đăng kiểm, xe chở vật liệu quá tải lưu thông trên địa bàn và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, lái xe sử dụng ma túy, vi phạm quy định vận tải hành khách, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông...; kết hợp hiệu quả xử lý vi phạm với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT.