Theo số liệu của Công an thành phố Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an thành phố đã xử lý gần 5.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có tới trên 60% là đối tượng thanh, thiếu niên.
Tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại Trường THCS Trương Hán Siêu
Thực tế cho thấy ở một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa tốt, cộng thêm tâm lý hiếu thắng, bốc đồng, a dua nên đã gây ra những vụ TNGT hết sức đau lòng. Đau xót hơn, có những trường hợp người tham gia giao thông chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ lại bị một số thanh niên vi phạm giao thông gây tai nạn, để lại thương tật suốt cuộc đời.
Ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ luôn là nỗi trăn trở của lực lượng chức năng, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Thời gian qua, Công an thành phố Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó đã phối hợp với các ban, ngành chức năng, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, việc tuyên truyền này được tổ chức đến tận các khu phố, trường học.
Đặc biệt, Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố đã tham mưu cho lãnh đạo xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều biện pháp công tác, rà soát, lên danh sách toàn bộ thanh, thiếu niên vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền cá biệt những đối tượng vi phạm, cho viết cam kết không tái phạm. Tăng cường phối hợp với các lực lượng cảnh sát khác tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch 191.
Đồng thời, qua công tác tuần tra, kiểm soát, Công an thành phố đã sử dụng camera ghi nhận những hình ảnh vi phạm của số đối tượng thanh, thiếu niên này và kịp thời thông báo cho tổ tuần tra kiểm soát công khai dừng xử lý. Cùng với đó, tổ chức Đoàn thanh niên từ tỉnh đến cơ sở cũng tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động như công tác tuyên truyền, tổ chức các ngày hội văn hóa “Thanh niên với văn hóa giao thông” bằng các trò chơi, các buổi sinh hoạt sân khấu hóa để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, sinh viên, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không có cơ quan, tổ chức nào thực hiện giám sát và quản lý các em tốt hơn chính gia đình của mình. Vì vậy, thiết nghĩ để giảm thiểu các hành vi vi phạm luật giao thông cũng như các vụ tai nạn giao thông do lứa tuổi thanh, thiếu niên gây ra, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, các gia đình cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc đi lại, giáo dục để các em nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, đồng thời các em trong lứa tuổi thanh, thiếu niên cần tự giác, tích cực trau dồi nâng cao kiến thức pháp luật về ATGT, vì mục tiêu an toàn là hạnh phúc của mỗi người, gia đình và toàn xã hội.