Phạt nguội tại nút giao đường Lý Thái Tổ và đường Huyền Quang phát huy hiệu quả.
Gần 300 camera được lắp đặt tại các điểm công cộng đã phát huy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có khả phân tích hình ảnh, bắt bám mọi chuyển động, phát hiện và chụp hình kèm thông tin biển số xe... truyền về Trung tâm Giám sát giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh), rồi truyền trực tiếp đến các tổ tuần tra đang làm nhiệm vụ tại hiện trường để xử lý vi phạm thông qua thiết bị di động hoặc gửi thông báo về tận địa chỉ nhà của chủ phương tiện vi phạm giao thông. Đến giữa tháng 3, đã có 995 trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt 393 trường hợp, nộp kho bạc nhà nước 961,5 triệu đồng. Điều này cho thấy hình thức phạt nguội bước đầu tạo sức răn đe nhằm nâng cao ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện, từng bước xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần ổn định trật tự xã hội.
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong quá trình triển khai thực hiện việc phạt nguội, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống ghi nhận số trường hợp vi phạm là rất lớn nhưng số trường hợp thực tế có đủ dấu hiệu chứng minh vi phạm lại thấp vì vào buổi tối, ánh sáng yếu nên camera khó nhận diện được đầy đủ các ký tự của biển số.
Quá trình xác minh và xử lý vi phạm phức tạp, nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, công sức trong việc phát hiện và thu thập hình ảnh dữ liệu về phương tiện vi phạm như: Thẩm định lại hành vi vi phạm đối chiếu theo quy định của pháp luật; xác định chủ phương tiện khó khăn (xe mua bán sang nhượng nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau nhưng chưa làm thủ tục sang tên, phương tiện đeo biển số giả, biển số không rõ chữ, số...); làm việc với chủ phương tiện để xác định người điều khiển phương tiện (chủ xe thường không hợp tác, không nhận là người điều khiển phương tiện hoặc cho mượn...); xác lập biên bản vi phạm hành chính (đối với một số hành vi phải tước giấy phép và tạm giữ phương tiện khó thực hiện vì một số người vi phạm ở ngoài tỉnh, trong khi chưa có cơ chế phối hợp giữa các địa phương với nhau). Trang thiết bị, máy móc đường truyền còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, chỉ có 1 máy tính trạm để lọc và xử lý vi phạm nên cán bộ phải thay nhau làm việc cả ngoài giờ hành chính và ban đêm mới giải quyết hết các trường hợp vi phạm.
Việc triển khai xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ qua hệ thống camera giao thông nhận được sự vào cuộc chủ động, tích cực của nhiều cơ quan liên quan như Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông. Ngay từ khâu tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm lắp đặt phương tiện, trang thiết bị phục vụ quá trình xử phạt đến bố trí cán bộ chuyên trách vận hành hệ thống camera giao thông, theo dõi hình ảnh trật tự ATGT và an ninh trật tự từ các camera giao thông truyền về Trung tâm giám sát đều được thực hiện bài bản, hiệu quả, song với những khó khăn, bất cập nêu trên rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành chức năng. Đồng thời rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng CSGT, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để xử phạt vi phạm hành chính qua hình ảnh camera thực sự phát huy tác dụng.