Trẻ em chơi bên đường sắt tại kiệt 16 Nguyễn Khuyến, phường Hòa Khánh Nam,
quận Liên Chiểu (ảnh do người dân cung cấp).
Bất an sống cạnh đường ngang
Ông Nguyễn Văn Tân (sống cạnh Km786, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết hai bên đường ray không có rào chắn bảo vệ, trong khi nhà dân cách đường ray chưa đầy 5 mét nên rất bất tiện trong việc sinh hoạt.
Đoạn đường sắt chạy song song với kiệt 16 Nguyễn Khuyến (thuộc tổ 65 phường Hòa Khánh Nam) tập trung nhiều gia đình trẻ. Trong đó, nhiều cặp vợ chồng có từ 2-3 con nhỏ, độ tuổi dưới 10. Do không có rào chắn giữa đường sắt với đường kiệt nên mỗi khi miễn cưỡng cho trẻ ra ngoài chơi, người lớn rất lo lắng. Chị Nguyễn Thị Hiền, sinh sống tại đây chia sẻ: “Chúng tôi rất mong ngành chức năng cho xây dựng rào chắn hoặc có phương án cụ thể để bảo vệ tính mạng người dân sống hai bên đường tàu”.
Ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, mong muốn của người dân hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, theo quy định, nhà dân cách đường sắt từ 7m trở lên mới đủ tiêu chuẩn làm hộ lan (hệ thống hành lang nối dài song song dọc theo hai bên lề đường các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt…). Do đó, với khoảng cách nhà dân cách đường sắt chưa đủ 7m như hiện nay, địa phương không có cơ sở đề xuất lên cấp trên xem xét làm hộ lan, chỉ có thể đặt biển cảnh báo dọc theo tuyến này.
Nhiều lối đi tự mở hoặc thói quen băng qua đường sắt của người dân sinh sống tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) thời gian qua cũng là nguyên nhân gây nên những vụ tai nạn đau lòng. Ông Nguyễn Một (sống tại Km777+280) cho biết, người dân vẫn có thói quen tùy tiện băng qua đường sắt. Năm 2019, từng có thanh niên ra đường sắt nằm chơi bị tàu cán tử vong, mấy năm trước cũng có một cụ ông 80 tuổi bị tàu lửa tông trong lúc chậm rãi băng qua đường sắt.
Kiên quyết xóa đường ngang không hợp pháp
Cuối năm 2019, khảo sát khoảng 500m đường ray từ tuyến đường Nguyễn Tất Thành đến dốc Bà Tân thuộc phường Hòa Hiệp Nam, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng phát hiện 8 đường ngang trái quy định. Các đường ngang này hình thành đã lâu, nối những tuyến kiệt trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam thông ra quốc lộ 1A. Ban An toàn giao thông thành phố vẫn đang phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị liên quan khảo sát, nghiên cứu phương án để đóng, xóa những đường ngang trái quy định.
Từ 67 đường ngang trái quy định, sau 5 năm kiên quyết xóa sổ, Đà Nẵng còn hơn 10 đường ngang dân sinh đang tạm thời để lại nhằm bảo đảm lưu thông cho người dân. Tại những điểm này, địa phương giao cho các tổ dân phố cắt cử người trực gác, hoặc cảnh báo bằng biển, bảng.
Ngoài ra, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa phận Đà Nẵng có trên 30 đường ngang hợp pháp, trong đó 26 đường ngang có trạm gác, số còn lại phòng vệ bằng biển báo hoặc cảnh báo tự động. Do nằm chen lẫn trong khu dân cư nên nhiều đường ngang có tầm nhìn hạn chế, bị công trình và cây xanh che khuất…
Được biết hiện nay, công tác phối hợp giữa UBND thành phố, Sở GTVT với Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý đường sắt) được thực hiện theo quy chế phối hợp tại Công văn số 03/QCPH-BGTVT-UBND ngày 25/3/2013 giữa Bộ GTVT với UBND thành phố.
Trong đó, ngoài giữ an toàn đường sắt, đáp ứng việc lưu thông tàu hỏa, địa phương cần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trên cơ sở này, thành phố đã đề nghị các quận, huyện có tuyến đường sắt ngang qua cam kết bảo đảm an toàn tại các đường ngang; kiểm tra, bổ sung đầy đủ biển báo hiệu trên đường bộ, đường sắt trong phạm vi quản lý; phối hợp khảo sát, kiểm tra, sửa chữa các hư hỏng mặt đường ngang, đường dân sinh, bảo đảm người và phương tiện lưu thông an toàn.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, thông qua hệ thống camera giám sát đặt tại đường ngang có gác, đơn vị kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở người gác thực hiện đúng quy trình, nội quy làm việc.
Theo quy chế phối hợp, trách nhiệm tổ chức chốt gác tại một số lối đi tự mở thuộc về UBND quận/huyện, phường/xã nhưng một số địa phương chỉ mới quan tâm công tác tuyên truyền, đặt biển báo mà chưa thật sự vận động người dân không xâm phạm an toàn đường ray, tuyệt đối không băng qua đường ray mà nên tạo thói quen đi qua những đường ngang hợp pháp, có chốt chặn cảnh báo nguy hiểm mỗi khi có tàu đi ngang.
Điều 9, Luật Đường sắt năm 2017 quy định các hành vi sau bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt: Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; tự mở lối đi qua đường sắt, xây dựng trái phép cầu vượt, hầm chui, cống hoặc công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt, khoan, đào trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; làm sai lệch công trình, hệ thống báo hiệu trên đường sắt; làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm...