"Số hóa” quản lý, điều hành GTVT

Thứ năm, 27/08/2020 08:02 GMT+7

Những năm qua, ngành GTVT luôn xác định phát triển công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những giải pháp để hiện đại hóa trong việc thực hiện cải cách hành chính và coi đó là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hướng tới phương thức quản lý số

Theo Tổng cục ĐBVN, số thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đường bộ hiện đang thực hiện là 102 thủ tục, số TTHC đang giải quyết tại Tổng cục là 66 thủ tục. Hiện nay, số dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 của Tổng cục là 66 DVC trong lĩnh vực vận tải và quản lý phương tiện người lái; có 2 DVC trong quản lý phương tiện người lái kết nối với Cổng DVC Quốc gia (DVCQG). Tổng cục hiện đang xây dựng 2 DVC trực tuyến mức độ 3 và 2 DVC mức độ 4 trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng để kết nối với Cổng DVCQG.

Một trong những “đột phá” lớn của ngành Đường thủy nội địa giúp hạ tầng giao thông thủy an toàn hơn cho phương tiện trong thời gian qua là hệ thống đo mực nước tự động, giúp cho việc cung cấp thông tin về mực nước trở nên chính xác và kịp thời. Ngoài ra, hệ thống đèn báo hiệu năng lượng mặt trời lắp đặt GPS cũng giúp công tác quản lý, giám sát trên đường thủy trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả rất cao. Hiện nay, toàn bộ hệ thống hơn 18.000 phao, báo hiệu đã được “số hóa” trên phần mềm. Đèn báo hiệu trên phao có gắn hệ thống giám sát tình trạng hoạt động và cảnh báo dời vị trí, các tính năng hỗ trợ cảnh báo giao thông.

Với phạm vi quản lý lên tới gần 7.000 km đường thủy, việc theo dõi, giám sát theo phương thức truyền thống đối với các hoạt động trong hệ thống kết cấu hạ tầng thực sự rất khó khăn. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị đã có thể kiểm tra ở bất cứ đâu bằng máy tính, thậm chí là sử dụng điện thoại di động cũng có thể đăng nhập vào hệ thống theo dõi. Cùng với ứng dụng định vị GPS, lĩnh vực đường thủy còn đang vận hành hệ thống camera trực tuyến tại 50 vị trí điều tiết nhằm đảm bảo giao thông, đếm lượt phương tiện tại các vị trí trọng điểm. Ngoài ra, đường thủy còn có 55 trạm thu tín hiệu AIS, thu tín hiệu về phương tiện và hành trình, phục vụ công tác quản lý chuyên ngành; áp dụng thiết bị cảnh báo an toàn cho phương tiện khi lưu thông qua cầu; triển khai phần mềm quản lý bảo trì đường thủy nội địa trên điện thoại di động...

Một trong những bước đi mạnh mẽ trong ứng dụng khoa học công nghệ của ngành Hàng hải là việc triển khai DVC trực tuyến, đi đầu trong việc tham gia thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia ngay từ giai đoạn 1 (từ năm 2014) và tiếp tục triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia đối với 11 TTHC lĩnh vực hàng hải trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia tại 25 cảng vụ hàng hải. Trước đây, khi làm thủ tục giấy, hãng tàu phải cử người vào bờ để mang hồ sơ lô hàng đến từng bộ phận chuyên ngành như cảng vụ, hải quan, kiểm dịch y tế... để làm thủ tục. Nếu giấy tờ chưa hợp lệ sẽ bị trả lại để sửa đổi, bổ sung, làm phát sinh lớn quỹ thời gian tàu nằm chờ. Một ngày nằm chờ, tàu nhỏ có thể tốn 10.000 USD tiền thuê tàu, với tàu cỡ lớn có thể lên đến 20.000 USD/ngày. Kể từ khi việc khai báo thủ tục được triển khai theo cơ chế một cửa, chỉ 15 - 30 phút thủ tục đã được xét duyệt cho tàu vào cảng làm hàng. Trường hợp phải chỉnh sửa hồ sơ cũng vô cùng nhanh chóng khi thao tác trên bản khai điện tử.

Trong cung cấp DVC, đăng kiểm cũng là đơn vị đầu tiên của ngành GTVT thực hiện cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4, tham gia Cơ chế Cổng Thông tin điện tử một cửa quốc gia; cấp giấy chứng nhận chất lượng xe cơ giới qua mạng, liên thông với cơ quan hải quan, phát hành hóa đơn điện tử.

Hiện nay, hệ thống máy chủ tại cơ quan Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể “ảo hóa” cùng với hệ thống phần mềm cho phép quản trị các máy chủ, giám sát mạng và sao lưu dữ liệu tự động. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp phải trực tiếp đến làm thủ tục, hồ sơ tại các đơn vị đăng kiểm thì đến nay hơn 1.500 doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức trực tuyến, giảm được các chi phí, thời gian đi lại cũng được tham gia giám sát trực tuyến việc giải quyết thủ tục, hồ sơ của cơ quan đăng kiểm.

Bên cạnh việc thực hiện trọng tâm các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính được cấp trên giao, việc đưa hệ thống vé tàu điện tử vào hoạt động được xem là bước đột phá của ngành Đường sắt trong những năm gần đây. Từ những lợi ích to lớn về mặt xã hội do hệ thống bán vé tàu điện tử mang lại, với việc bán vé tàu qua mạng Internet, chất lượng phục vụ đã có những đột phá quan trọng như: mang lợi ích kinh tế - xã hội, hành khách tiết kiệm được thời gian; đường phố bớt ùn tắc, nhà ga thông thoáng hơn...

Đối với Hàng không - một trong những lĩnh vực hội nhập quốc tế sớm nhất thì việc ứng dụng CNTT vào điều hành, đảm bảo an ninh và sản xuất kinh doanh được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, Hàng không Việt Nam đã sớm quy hoạch và đầu tư nâng cấp các hệ thống ứng dụng, hệ thống hạ tầng, hệ thống an ninh CNTT bao gồm cả việc đầu tư mới và củng cố hệ thống hiện tại. Đồng thời, Hàng không cũng chú trọng phát triển các hệ thống ứng dụng quan trọng như: Hệ thống thông tin quản trị MIS, AMASIS, Email, Portal, hóa đơn điện tử, kế toán quản trị, kế hoạch ngắn hạn, tối ưu hóa doanh thu, tin học văn phòng... Đặc biệt, các đơn vị hàng không luôn không ngừng cho ra đời những công nghệ phục vụ hành khách, hàng hóa, thương mại điện tử, điều hành khai thác, kỹ thuật và củng cố các ứng dụng quản trị doanh nghiệp;

Sự trao đổi thông tin AIS giữa tàu với tàu và tàu với bờ của giao thông thủy nội địa

Nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”. Đề án nêu rõ, đầu tư hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành GTVT phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung vào lĩnh vực đường bộ nhằm mục tiêu bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.

Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025 là hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định.

Theo đó, 100% hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT được quản lý, theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử. Tất cả các DVC phổ biến liên quan đến nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ GTVT được nộp trực tuyến mức độ 3, 4. 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.

Toàn bộ số liệu phục vụ quản lý ATGT được xử lý, tích hợp hoàn toàn tự động từ các hệ thống thông tin quản lý thuộc các chuyên ngành đường bộ, CSGT và y tế dùng để đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ...

Nguồn: Tạp chí GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)