Thép cuộn rơi từ trên xe xuống đường (Ảnh chụp ngày 13/6 trên đường Ngô Quyền)
Mới đây, ngày 3/7, xe container chở đầy gỗ, do tài xế Phạm Bá Lợi (trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lưu thông trên tuyến đường tránh Hải Vân theo hướng Nam - Bắc, đến đoạn gần Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (thuộc địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thì bất ngờ lao xuống ruộng, lật ngửa. May mắn là không xảy ra thương vong.
Trước đó, ngày 13/6, một chiếc xe đầu kéo kéo theo rơ moóc lưu thông trên tuyến đường Ngô Quyền, hướng từ cảng Tiên Sa đi cầu Tiên Sơn. Khi đến vòng xoay phía đông cầu Sông Hàn, 2 cuộn thép nặng cả tấn trên xe bất ngờ văng ra, rơi xuống đường.
Do xe lưu thông tốc độ cao nên một cuộn thép văng xa hàng chục mét đến vỉa hè Trung tâm thương mại Vincom mới dừng lại. Rất may, thời điểm trên vắng phương tiện lưu thông trên đường nên không xảy ra tai nạn. Chị Phan Thị Thu Lài, một hộ dân có nhà trên tuyến đường Ngô Quyền (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho hay, tình trạng xe chở hàng quá tải, quá khổ mà không ràng buộc, che chắn thường xuyên diễn ra trên tuyến đường Ngô Quyền này. Đây cũng là tuyến đường liên tục xảy ra tai nạn giao thông do xe tải, xe đầu kéo container gây nên.
Cũng trong tháng 6/2020, nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng, san lấp công trình làm rơi đá xây dựng xuống đầu cầu Hòa Cầm phía đường Phạm Hùng… Trước đó, thành phố Đà Nẵng cũng xảy ra nhiều vụ xe chở hàng không che đậy, ràng buộc gây nguy hiểm cho người đi đường như vụ ô-tô bán tải BKS 43C-109.13 của Công ty T. (địa chỉ tại quận Thanh Khê) chở tấm thép lớn không ràng buộc làm rơi trên đường Hoàng Thị Loan, quận Liên Chiểu (tháng 10/2019).
Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, những hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải như trên không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức của lái xe mà còn là nguyên nhân khiến người tham gia giao thông di chuyển cạnh xe chở hàng có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Đây là hành vi chủ quan, coi thường tính mạng của người khác. Để bảo đảm an toàn giao thông, lực lượng Thanh tra sẽ tiếp tục triển khai tuần tra kiểm soát cả trong và ngoài khung giờ hành chính, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng Lê Văn Trung, thời gian tới, Sở chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, giám sát trên địa bàn, nhất là các tuyến quốc lộ thường xuyên có xe tải trọng lớn hoạt động. Trường hợp nào vi phạm an toàn trong vận tải hàng hóa, phải xử nghiêm lỗi tài xế vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn. Đối với trường hợp ô tô tải bị cấm vào khu vực tuyến đường nội đô thành phố các khung giờ cao điểm từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30, từ 16 đến 19 giờ nhưng vẫn lén lút hoạt động hoặc làm rơi vãi xuống mặt đường... đều có thể trích xuất dữ liệu để “phạt nguội”.
Điều 20 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/1/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô vi phạm về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông. Theo đó, phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ; chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy, nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường... Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải ra đường phố...