Giải pháp xử lý điểm đen TNGT tại đèo Chiềng Đông trên QL6 bằng hốc cứu nạn sắp hoàn thành
Nhiều cách làm sáng tạo
Nhiều năm qua, cung đường đèo Chiềng Đông (tỉnh Sơn La) dài 8km là nỗi ám ảnh của lái xe đường dài do có độ dốc lớn, một bên là vực sâu, một bên là núi cao. Theo Ban ATGT tỉnh Sơn La, từ năm 2015 - 2019, cung đèo này xảy ra 13 vụ TNGT, làm 6 người chết. Việc liên tục xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng gây ra tâm lý lo lắng cho các chủ phương tiện mỗi khi qua đèo.
Trước thực trạng đó, Sở GTVT tỉnh Sơn La đề xuất Tổng cục Đường bộ VN bố trí kinh phí 14 tỷ đồng xây dựng đường, hốc cứu nạn tại Km 257+300, Km 257+980 và Km 258+850; bạt taluy dương để mở rộng tầm nhìn một số điểm quanh co; mở rộng nền, mặt đường về phía bụng cua và sửa chữa các hư hỏng mặt đường; sơn gờ giảm tốc, hộ lan lốp... để xử lý dứt điểm “điểm đen” này.
Tương tự trên QL34B đoạn qua đèo Khau Múc (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), nhiều năm nay người dân luôn bị ám ảnh bởi những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Để khắc phục “điểm đen” này, Sở GTVT tỉnh Cao Bằng đã triển khai đường lánh nạn, bố trí hốc cứu nạn, bổ sung thêm hệ thống cảnh báo và đặc biệt lắp đặt hệ thống tường lốp. Sau khi khắc phục, 2 năm qua TNGT đã giảm đáng kể và không có thiệt hại về người.
Để đảm bảo ATGT, tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất sửa chữa 8 vị trí, công trình trên các tuyến quốc lộ với tổng chi phí hơn 32 tỷ đồng. Ông Lã Hoài Nam, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cao Bằng cho hay, các tuyến đường trên địa bàn chủ yếu là cấp thấp, nên những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về TNGT rất nhiều. “Những năm qua, Cao Bằng đã xử lý được rất nhiều “điểm đen” nên TNGT giảm rất sâu”, ông Nam thông tin.
Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, việc kiểm tra bất cập hạ tầng nên được làm thường xuyên, không chờ khi xảy ra tai nạn, có đầy đủ tiêu chí “điểm đen” mới đề xuất đầu tư cải tạo. Cần bố trí vốn để xử lý ngay các “điểm đen” TNGT đã đầy đủ theo tiêu chí, chỉ có vậy mới ngăn được TNGT.
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, chỉ trong vòng 2 năm qua tỉnh Sơn La, Cao Bằng xử lý được hàng chục “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT. Tuy nhiên, do địa hình đặc thù miền núi, trên các quốc lộ hiện vẫn còn hàng chục “điểm đen”, điểm tiềm ẩn cần được bố trí kinh phí để xử lý.
Đề cập đến các giải pháp đã được áp dụng thời gia qua, ông Lăng cho rằng, tường lốp có ưu điểm là chi phí thấp nhưng giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do tai nạn.
Trong khi đó, những công nghệ có nguyên lý tương tự trên thế giới có giá thành cao hơn cả vài chục lần. Đơn cử, như “điểm đen” tại dốc Cun (QL6, tỉnh Hòa Bình) được lắp thử nghiệm rào chắn công nghệ bánh xoay của Hàn Quốc nhưng giá thành cao hơn giải pháp tường lốp cả chục lần.
“Chúng tôi mày mò sáng tạo sử dụng lốp ô tô cũ, đóng cọc rồi đổ cát vào, khi xe lao vào đó sẽ giảm chấn, trục lốp xoay, cứu được rất nhiều xe, giảm mức độ thương vong”, ông Lăng cho biết.
Vốn luôn có sẵn để bổ sung
Theo ông Vũ Ngọc Lăng, trong 5 năm gần đây, cả nước đã xóa được hơn 1.000 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất ATGT. Tuy nhiên, hàng năm lại phát sinh từ 70 - 80 “điểm đen” và hàng trăm điểm tiềm ẩn mới.
“Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xóa triệt để các “điểm đen” phát sinh và đặc biệt sẽ xử lý ngay những điểm tiềm ẩn. Trong nguồn vốn bảo trì, ưu tiên số một thực hiện xóa các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, sau đó mới đến bảo trì thoát nước, xử lý mặt đường”, ông Lăng nói.
Tuy nhiên, theo ông Lăng, “điểm đen” TNGT có nguyên nhân trực tiếp do hạ tầng chỉ chiếm 3 - 4%; 5 - 8% do phương tiện. Còn lại khoảng 70% là do ý thức người tham gia giao thông và các nguyên nhân khác.
Sẽ khó xử lý hết được “điểm đen” TNGT vì đặc thù giao thông Việt Nam có nhiều điểm giao cắt đồng mức nảy sinh các điểm tiềm ẩn, nếu không tổ chức giao thông tốt sẽ biến thành “điểm đen” TNGT.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, năm 2020, Tổng cục Đường bộ VN đã xử lý 23 “điểm đen” TNGT phát sinh; cải tạo nhiều điểm giao cắt, lắp đặt hệ thống ATGT vào ban đêm qua các khu dân cư.
“Tổng cục cũng tăng cường ATGT tại dường đèo dốc bằng cách làm hộ lan nhiều tầng, làm hốc cứu nạn, xử lý mở rộng tầm nhìn. Khi nảy sinh “điểm đen” về hạ tầng, Tổng cục tiến hành khảo sát, thiết kế và đấu thầu xử lý ngay, vốn dành cho xử lý “điển đen” TNGT luôn sẵn để bổ sung”, ông Huyện nói.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng: Làm đường cần tuân thủ đầy đủ thiết kế
TNGT có tính chất biến động, tuy nhiên khi làm một con đường nếu tuân thủ tất cả các yếu tố thiết kế thì bản thân con đường đó sẽ an toàn cho người và phương tiện. Khi muốn tìm bất cập về hạ tầng dẫn đến “điểm đen” TNGT, cần kiểm tra thiết kế nguyên bản có đúng không. Thiết kế được đặt trong không gian, mức độ hoạt động kinh tế - xã hội đã đúng chưa, có mâu thuẫn không?
TNGT xảy ra do ý thức người tham gia giao thông, khi đó sẽ xuất hiện câu hỏi người điều khiển vi phạm giao thông và phương án tổ chức giao thông được thiết kế đã phù hợp hay chưa? Người tham gia giao thông có cơ hội vi phạm hay không? Thiết kế con đường có đạt được yếu tố nếu người tham gia giao thông không may vi phạm có tránh đươc tai nạn hay không? Nếu không tránh được tai nạn thì có tránh được thương vong hay không? Đây là các yếu tố làm nên con đường thân thiện.