Yên Bái: Nỗi lo an toàn giao thông đầu năm học

Thứ tư, 22/09/2021 15:01 GMT+7

Vì những lý do 'rất hợp lý" mà số lượng học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy cứ tăng dần. Để ý thì mới thấy, nguy cơ mất an toàn khi con trẻ đi xe gắn động cơ là rất cao, trong khi mối quan tâm về vấn đề này lại bị xem nhẹ.

Mỗi lần tan trường, nhiều học sinh
đi hàng hai, hàng ba, gây mất an toàn giao thông

Đời sống kinh tế phát triển, lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng lớn, nhiều gia đình sẵn sàng mua xe máy điện, xe mô tô dưới 50 cm3 cho con. Lý do kể ra cũng hợp lý như: cho con chủ động, đỡ phải đưa đón; trẻ bây giờ học nhiều quá, sáng, chiều, lại còn học thêm nữa, đưa đi thì không được, cho đạp xe thì còn sức đâu để học…

Thế là, số lượng học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy cứ tăng dần. Để ý thì mới thấy, nguy cơ mất an toàn khi con trẻ đi xe gắn động cơ là rất cao, trong khi mối quan tâm về vấn đề này lại bị xem nhẹ.

Không khó để bắt gặp học sinh đi hàng hai, hàng ba ra đường. Những cô, cậu học sinh lướt xe máy vun vút, lạng lách trên đường phố, nhiều cô bé đi xe đạp điện nhưng lại vắt chân rất sành điệu. Riêng tình trạng vừa điều khiển xe vừa nghe, gọi, rồi cả nhắn tin điện thoại rất phổ biến. 

Xe máy điện bây giờ rất tốt, có thể chạy được 40 đến 45 km/giờ, nghĩa là đã đạt đến tốc độ tối đa cho phép, tốc độ ấy hoàn toàn có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng; xe đạp, xe máy điện còn tiềm ẩn nguy hiểm khác. 

Đó là động cơ điện rất êm, phát ra âm thanh rất nhỏ khi di chuyển khiến người tham gia giao thông khác khó phát hiện, xử lý lúng túng (giật mình) khi người điều khiển xe đap, xe máy điện đến sát gần.

 Với xe gắn máy có động cơ dưới 50 cm3, là loại phương tiện cho phép người dưới 18 tuổi điều khiển, là loại phương tiện mà nhiều bậc cha mẹ chọn mua cho con khi chúng vào THPT. Tuy dung tích xi lanh dưới 50 cm3 nhưng chiếc xe loại này vẫn đạt tốc độ cao và khi tai nạn xảy ra nào có kém gì xe có dung tích xi lanh trên 50 cm3!

Trước tình trạng kể trên, các bậc phụ huynh nên giáo dục, quản lý con mình tốt hơn, chỉ mua xe gắn động cơ cho con khi chúng thực sự có kỹ năng xử lý thành thạo; nhắc nhở con chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, đi lại cẩn thận, an toàn; cố gắng bố trí đi học sớm hoặc đúng giờ, không vội vàng, gấp gáp rồi phóng nhanh, vượt ẩu.

Nhất thiết phải cho con trẻ tập luyện việc điều khiển xe thật thành thạo, tốt nhất nên tìm đến những sa hình sát hạch mô tô hoặc chủ động mô phỏng lại sa hình sát hạch mô tô cho con em mình tập luyện, khi thực sự thành thạo, cảm thấy thật sự yên tâm mới cho phép con tự đi học bằng xe có gắn động cơ. 

Nhiều phụ huynh còn cẩn thận đi theo giám sát còn tự đi học bằng xe gắn động cơ vào những buổi đầu tiên. Đây là việc rất nên làm, giúp con tự tin hơn hoặc nhắc nhở, rút kinh nghiệm những khiếm khuyết trong quá trình điều khiển phương tiện.

Với các nhà trường, việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các cụm pa nô, bố trí đội cờ đỏ, thầy cô giáo đứng giám sát, xây dựng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông” là rất tốt nhưng cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông như: dạy và tổ chức thực hành việc điều khiển xe gắn động cơ, phương pháp xử lý tình huống… cho các em học sinh; hướng dẫn các em kỹ năng tham gia giao thông văn minh, an toàn, phòng tránh tai nạn giao thông…

Nguồn: Báo Yên Bái

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)