Việc phạt nguội qua hệ thống camera gắn trên các tuyến đường
sẽ tạo tính răn đe, góp phần nâng cao ý thức của người dân.
Lỗi chủ quan
Theo Ban ATGT tỉnh Phú Yên, tuy tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm giảm cả ba tiêu chí về số vụ, người chết, người bị thương nhưng vẫn còn nhiều lo ngại. Lực lượng chức năng đã xử lý hàng ngàn lỗi vi phạm như vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, đỗ xe không đúng nơi quy định.. |
Nhìn lại những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vừa qua cho thấy, hầu hết nguyên nhân đến từ người điều khiển phương tiện giao thông. Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 87 vụ, làm chết 55 người, bị thương 57 người, thiệt hại tài sản khoảng 820 triệu đồng. Trong đó, nguyên nhân lỗi vi phạm phía đi chiếm 24,4%, không quan sát chiếm 24,4%, vi phạm tốc độ chiếm 7%.
Điển hình như vụ TNGT vào ngày 17/9 vừa qua trên Quốc lộ 29 đoạn qua thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa. Người điều khiển xe ô tô tải vì đi không đúng phần đường quy định nên đã gây tai nạn với một xe máy đi ngược chiều. Hậu quả làm người phụ nữ điều khiển xe máy chết tại chỗ. Hay như vụ TNGT vào tháng 7 trên đường dẫn vào Trạm thu phí hầm đường bộ đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa. Ông B.D.T (SN 1972, TP Quy Nhơn, Bình Định) điều khiển xe tải 85C-019.19 đến địa điểm trên không chú ý quan sát nên đã đâm vào dải phân cách, tự gây tai nạn khiến ông này tử vong.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Yên , trong quá trình tuần tra kiểm soát, rất nhiều lỗi vi phạm phổ biến thuộc về người điều khiển phương tiện đã được lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm. Thực hiện theo kế hoạch của Công an tỉnh về tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chuyên đề lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện xử lý 1.818 trường hợp vi phạm (tăng 397 trường hợp so với thời gian cùng kỳ), phạt tiền gần 6 tỉ đồng, tạm giữ 1.818 phương tiện, tước 1.429 giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã xử lý 3.053 trường hợp vi phạm tốc độ, 3.492 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 2.297 trường hợp không có giấy phép lái xe...
Loại bỏ thói quen xấu
Có một thực tế là tâm lý đối phó với các lực lượng chức năng vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người điều khiển phương tiện. Khi các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên đường thì người dân thực hiện đúng quy định, còn sau đó thì lại lơ là, chủ quan và chưa hình thành được ý thức tự giác khi tham gia giao thông.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên, để phù hợp với tình hình thực tế, đơn vị đang triển khai mạnh mẽ hình thức tuyên truyền an toàn giao thông (ATGT) qua mạng xã hội facebook. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh. Hình thức này cũng đã thu hút được đông đảo người dân quan tâm, đặc biệt là số đông thanh niên độ tuổi từ 18-27. Đây là những người trong độ tuổi lao động thường xuyên tham gia giao thông và chiếm tỉ lệ cao trong số các vụ TNGT.
Tại thị xã Đông Hòa, một trong những địa phương có số vụ TNGT giảm sâu trong 9 tháng đầu năm, công tác xử lý vi phạm cũng như tuyên truyền ATGT được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp. Theo trung tá Lê Thái Nguyên, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an thị xã Đông Hòa, bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên đường, đơn vị còn tăng cường sử dụng các hình thức “phạt nguội” để xử lý vi phạm như vi phạm tốc độ, sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera được trang bị trên đường. Qua đó tạo được sự răn đe, góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Đơn vị cũng đã tổ chức nhiều chuyên đề riêng tuyên truyền, thực hiện ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho tài xế xe ôm, xe taxi; tuyên truyền cá biệt cho các thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm ở các xã, phường trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh Phú Yên, để kiềm chế TNGT trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới; chú trọng công tác tuyên truyền đến người tham gia giao thông. Hình thức tuyên truyền cần thường xuyên được đổi mới, phù hợp tình hình thực tế, từng đối tượng; khuyến cáo về những thói quen xấu như uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, đi đường tắt, đi ngược chiều, chạy quá tốc độ... vừa nguy hiểm đến tính mạng, vừa bị xử lý phạt tiền, tạm giữ phương tiện. Cùng với đó, các lực lượng chức năng tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm xe chở quá tải, chạy quá tốc độ... Công tác tuần tra cần được thực hiện khép kín, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để kịp thời xử lý vi phạm, kiềm chế TNGT.