Thanh tra GTVT đổi mới phương thức kiểm tra trong đại dịch Covid-19

Thứ tư, 24/11/2021 09:19 GMT+7

Thanh tra ngành GTVT chủ động đổi mới, linh hoạt phương thức kiểm tra, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh.

Linh hoạt cách thức thanh, kiểm tra trong dịch bệnh

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, trong năm 2021, Thanh tra Bộ GTVT đã chủ trì thực hiện 21 cuộc thanh tra, kiểm tra (8 cuộc thanh tra hành chính và 13 cuộc thanh tra chuyên ngành). Tính đến nay, 17/21 cuộc đã hoàn thành; Một cuộc đang thanh tra tại đơn vị và 3 cuộc đang tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Thanh tra Bộ GTVT đã linh hoạt phương pháp đảm bảo hiệu quả công tác thanh, kiểm tra
trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp - Ảnh minh họa

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đơn vị đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách còn bất cập, còn thiếu hoặc chưa phù hợp tình hình thực tiễn; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng; kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 tổ chức, 16 cá nhân có vi phạm.

Sau quá trình thanh, kiểm tra, Thanh tra Bộ đã ban hành 46 văn bản đôn đốc thực hiện KLTT; kiểm tra, đôn đốc thực hiện 7 kết luận thanh tra; đối tượng thanh tra đã nộp NSNN qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ số tiền trên 7,2 tỷ đồng.

Mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã gửi thư chúc mừng nhân dịp 76 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2021). Trong đó nhấn mạnh, trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành Thanh tra Việt Nam đã có những định hướng đúng đắn, kịp thời điều chỉnh các mặt công tác, góp phần vào việc thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tính từ ngày 16/12/2020 đến 15/11/2021, thanh tra chuyên ngành của Tổng cục, các Cục quản lý, Thanh tra các Sở GTVT cũng đã thực hiện gần 53.800 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; xử phạt hơn 42.600 vụ vi phạm với số tiền trên 201 tỷ đồng; tạm giữ 296 ô tô; đình chỉ hoạt động 117 bến và 49 phương tiện thủy nội địa; giám sát 556 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 419 kỳ sát hạch lái xe mô tô..

Liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ đã tiếp nhận và xử lý 468 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đến hiện tại, các đơn thư đều đã được xử lý theo đúng quy định, không có tình trạng tồn đọng.

“Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ GTVT cũng đã ban hành/tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành 147 văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nghiệp vụ liên quan hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính chuyên ngành, trong đó tập trung vào một số nội dung như: mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng xe, vi phạm về hành lang đường bộ; tổ chức hậu kiểm phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các điểm bốc xếp, giao nhận hàng hóa; triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành gắn liền với công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ ngành GTVT”, bà Hiền thông tin.

Theo bà Hiền, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kế hoạch thanh tra được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành GTVT.

Phương thức thực hiện được đổi mới, linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và nguyên tắc của hoạt động thanh tra. Lực lượng thanh tra GTVT toàn quốc vừa bảo đảm hoạt động thanh, kiểm tra theo lĩnh vực quản lý, vừa phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19”, bà Hiền nói và cho biết, với những kết quả đạt được, Thanh tra Bộ được lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao trong công tác triển khai thực hiện các đoàn kiểm tra dự án trọng điểm.

Công tác thanh tra chuyên ngành GTVT sẽ được tiếp tục triển khai có trọng tâm, trọng điểm
trên tất cả các lĩnh vực giao thông - Ảnh minh họa

Tiếp tục kiểm tra trọng tâm, trọng điểm

Lãnh đạo Thanh tra Bộ GTVT cho biết, năm 2022, cách thức thanh tra sẽ tiếp tục được đổi mới phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Theo hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra ngành GTVT năm 2022 được ban hành, trong lĩnh vực đường bộ, công tác thanh, kiểm tra của lực lượng chuyên ngành sẽ tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe; kiểm định xe cơ giới đường bộ; công tác quản lý, khai thác, bảo trì công trình và đảm bảo ATGT đường bộ

Lĩnh vực đường sắt sẽ thanh tra công tác quản lý, khai thác, bảo trì công trình và đảm bảo ATGT đường sắt; việc chấp hành các quy định trong hoạt động vận tải, hỗ trợ vận tải; tổ chức chạy tàu; phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, dịch vụ công ích; công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên đường sắt.

Đối với lĩnh vực hàng không sẽ thanh tra việc chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và công tác năng định, cấp phép đối với phi công, kiểm soát viên không lưu; cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; giờ cất hạ cánh; dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không của các cảng hàng không; khai thác và bảo dưỡng tàu bay; bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; bảo trì trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Trong lĩnh vực hàng hải sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật chuyên ngành hàng hải về vận tải và hoạt động cảng biển; hoạt động hoa tiêu hàng hải; lai dắt hỗ trợ tàu biển; cung ứng dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; TKCN hàng hải; việc chấp hành quy định về quản lý, bảo trì công trình hàng hải.

Lĩnh vực đường thủy nội địa sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông khi thi công, quản lý, bảo trì công trình trên đường thủy nội địa; việc thực hiện các quy định pháp luật về vận tải và quản lý cảng, bến thủy nội địa; công tác đào tạo, thi, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)