Bình Phước: Quyết tâm lập lại TTAGT - Đã uống rượu, bia thì không lái xe

Thứ hai, 10/10/2022 02:25 GMT+7

Thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tuyên truyền từ lâu, trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Tuy nhiên thực tế, tỷ lệ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn vẫn cao.

Thực hiện Kế hoạch số 299/KH-BCA-C08 của Bộ Công an, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Bình Phước liên tục tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý các lỗi vi phạm. Với phương châm không có ngoại lệ, không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài, hàng trăm trường hợp đã bị xử phạt nghiêm khắc, buộc phải thay đổi hành vi, tuân thủ pháp luật.

Những chuyển biến tích cực

Thành phố Đồng Xoài có khoảng 100 cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn. Đời sống người dân ngày càng nâng cao nên nhu cầu tổ chức ăn uống, giải trí tại các nhà hàng, quán nhậu cũng tăng theo. Để hạn chế các hành vi vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT Công an tỉnh và Công an TP. Đồng Xoài đã đến từng nhà hàng, quán nhậu tuyên truyền và đề nghị chủ cơ sở làm cam kết nhắc thực khách chấp hành tốt quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước phối hợp Đội CSGT Công an TP Đồng Xoài
 đo nồng độ cồn xử lý người vi phạm trên ĐT741 tại vòng xoay Hùng Vương

Ông N.V.P, chủ một quán nhậu có tiếng tại phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài cho biết: “Quy định này rất hợp lý, bởi sức khỏe, tính mạng, sự an toàn cho khách sau khi ra về là quan trọng. Chúng tôi đã treo băng rôn, pa-nô tuyên truyền nội dung “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ taxi đưa đón khách trong bán kính 5km. Tuy nhiên, trường hợp này cũng ít, bởi đa số thực khách nhận thức rõ ngành chức năng làm rất gắt nên họ chủ động có người thân đưa rước. Đặc biệt, tại quán đã giảm hẳn tình trạng khách say rượu bia, gây mất an ninh trật tự”.

Sự chuyển biến tích cực cũng được ghi nhận tại các quán karaoke, đó là lượng khách đến bằng xe môtô giảm, đa số đi taxi, xe hơi có người đưa rước. Một chủ quán karaoke ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài cho biết: “Việc khách chủ động phương tiện đi, về đảm bảo an toàn cho thấy ý thức chấp hành được nâng cao. Dù vậy, chúng tôi cũng đã bố trí khu vực để xe cho khách rất rộng rãi, thuận tiện. Trường hợp khách nào đi taxi về, muốn gửi phương tiện lại thì chúng tôi cũng đáp ứng được. Trên địa bàn tỉnh, nếu tất cả quán đều đồng loạt tuyên truyền quy định của ngành chức năng, chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực, hạn chế tai nạn giao thông”.

Siết chặt kiểm soát, xử lý đúng lỗi

Nếu như buổi sáng và trưa hằng ngày, lực lượng chức năng tập trung tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với xe cơi nới thành thùng và chở hàng quá tải thì chiều và tối, lực lượng chức năng tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn. Các tuyến quốc lộ 13, 14, ĐT741 có lưu lượng xe đông, nhiều nhà hàng, quán nhậu, karaoke nên thời điểm từ 19-21 giờ hằng ngày, thực khách rời quán sẽ bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có). Quá trình tuần tra, kiểm soát, các tổ công tác sẽ linh hoạt áp dụng phương pháp đo nồng độ cồn thông thường và quốc tế. Ngoài lực lượng đứng chốt cố định, còn có cán bộ, chiến sĩ tuần tra khu vực các nhà hàng, quán nhậu, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp trốn tránh.

Ngày 28/9, chị N.T.N ở phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài điều khiển xe ôtô biển số 93A-319… từ một quán nhậu ra ĐT741 thì bị tổ công tác yêu cầu dừng xe kiểm tra. Kết quả đo nồng độ cồn của chị N là 0,26miligam/lít khí thở, chị N bị tạm giữ phương tiện và đề nghị trong 7 ngày tới cơ quan chức năng để xử lý vi phạm. Vì lần đầu bị xử phạt nên chị N khá bối rối. Chị cho biết: “Vì nể bạn mời nên tôi chỉ uống hơn một lon bia. Không ngờ mức xử phạt lại cao như vậy! Từ nay, chắc chắn tôi sẽ không dám vi phạm nữa”. 

Trong số 227 trường hợp lái xe ô tô vi phạm bị xử lý, có nhiều trường hợp tổng hợp mức phạt hàng chục triệu đồng. Quá trình làm việc với lực lượng chức năng, nhiều người vi phạm gọi điện cho người thân can thiệp, song không được chấp nhận. Ngoài ra, còn có 17 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng. 

Với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với các “ma men”, bằng sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh trong 3 tháng thực hiện cao điểm giảm trên cả 3 mặt. Theo đó, toàn tỉnh xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông, làm 29 người chết, 16 người bị thương, không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Thiệt hại tài sản ước gần 1 tỷ đồng. So với 3 tháng trước đó, tai nạn giảm 10 vụ, giảm 7 người chết và giảm 23 người bị thương. Kết quả này khẳng định tính hiệu quả của đợt ra quân cao điểm thực hiện Kế hoạch số 299/KH-BCA-C08 của Bộ Công an, cũng như hiệu quả của các tổ công tác đặc biệt. Ngành chức năng khẳng định, các chuyên đề xử lý vi phạm nêu trên sẽ được lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục duy trì, nhằm quyết tâm lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Trong 3 tháng thực hiện cao điểm, lực lượng CSGT tỉnh đã đến 341 nhà hàng, quán bar, karaoke đề nghị làm cam kết thực hiện tốt quy định tuyên truyền khách đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời phát tờ rơi đến 1.500 cơ sở nhỏ, lẻ kinh doanh bia, rượu. Ngành chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.068 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt hành chính nộp ngân sách 7,65 tỷ đồng. Trong đó, có 227 ô tô (10,97%), 1.841 mô tô (89,03%), tạm giữ 2.068 phương tiện và tước giấy phép lái xe 801 trường hợp.

Cùng với kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, cán bộ, chiến sĩ CSGT toàn tỉnh cũng phát hiện 6 trường hợp điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy, gồm 3 lái xe ô tô và 3 người đi mô tô. Cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định.

Thượng tá Phan Văn Tấn, 
Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Phước

 

Nguồn: Báo Bình Phước

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)