Long An: Nỗ lực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Thứ ba, 11/10/2022 09:47 GMT+7

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Long An chủ động phối hợp và thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).

Xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông

Long An là cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, có các tuyến Quốc lộ (QL) 1, QL50, QL62, QLN2 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương ngang qua. Theo đó, lưu lượng người và phương tiện qua lại rất đông nên tình hình TTATGT tiềm ẩn nhiều phức tạp. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh kiểm tra việc triển khai, thực hiện công tác này tại các huyện, thị xã, thành phố. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo Trưởng phòng ATGT, Sở GTVT Long An - Nguyễn Hoài Phong, trong công tác bảo đảm TTATGT, Sở phối hợp các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, kiểm tra các điểm có nguy cơ tiềm ẩn và các "điểm đen" thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Sở cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thi công thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm ATGT, nhất là công trình vừa thi công, vừa khai thác; tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường thủy và khắc phục cây xanh, biển báo che khuất tầm nhìn giao thông; xử lý xe chở quá tải, cơi nới thùng,... Từ đó đề ra các biện pháp khắc phục như xây dựng vòng xuyến, đèn tín hiệu giao thông, đèn cảnh báo giao thông, đèn chiếu sáng, biển báo hiệu giao thông,...

 

Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Long An là chủ đầu tư
nhiều công trình giao thông trọng điểm (Trong ảnh: Công trình đường Vành đai TP.Tân An)

Theo thống kê, 10 năm qua, lực lượng chức năng trong tỉnh khảo sát và khắc phục 13 vị trí "điểm đen", 114 điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT và 412 điểm bất cập, bất hợp lý về tổ chức giao thông đường bộ. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh không còn "điểm đen" về TNGT. Ngoài ra, Sở còn phối hợp Chi cục Quản lý đường bộ IV.3 xem xét, xử lý các điểm mở dải phân cách trên QL phù hợp với độ rộng mặt đường ở các ngã tư giao lộ và các điểm quay đầu xe để bảo đảm ATGT.

Song song đó, theo thống kê, 10 năm qua, toàn tỉnh xây dựng, bảo trì, duy tu, sửa chữa hơn 1.711km đường giao thông trọng điểm trên đường bộ, đường thủy nội địa và hàng chục cây cầu, cống bắc qua sông, góp phần thay đổi diện mạo và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, Sở GTVT Long An được giao triển khai đầu tư mới, nâng cấp, duy tu, sửa chữa nhiều công trình, tuyến đường; có nhiều công trình quan trọng, huyết mạch, liên kết vùng.

Giám đốc Sở GTVT Long An - Đặng Hoàng Tuấn nhấn mạnh: “Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với quản lý, khai thác có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện các dự án công trình, lãnh đạo Sở thường xuyên kiểm tra công trình, phối hợp UBND các huyện trong công tác giải phóng mặt bằng để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực thực hiện công trình hoàn thành bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, kế hoạch đề ra”.

Giai đoạn 2021-2025, ngành GTVT Long An được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ triển khai các công trình trọng điểm, đột phá. Đó là 3 công trình trọng điểm: Đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông vàm Cỏ Tây (đoạn còn lại); Quốc lộ 50B (giải phóng mặt bằng đoạn từ đầu tuyến đến sông Vàm Cỏ Đông); Đường tỉnh (ĐT) 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830 (huyện Cần Đước). Các công trình đột phá: Đường Lương Hòa - Bình Chánh; đường Hựu Thạnh - Tân Bửu; ĐT826E (đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc); đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E; trục động lực Đức Hòa; đường Tân Tập - Long Hậu (đoạn từ Vành đai 4 đến ĐT830); nâng cấp, mở rộng ĐT824 (đoạn ngã ba Tua Một đến cầu kênh Ranh); nút giao Hùng Vương - QL62 (TP.Tân An).

Bên cạnh việc triển khai các công trình trọng điểm, đột phá, ngành GTVT Long An tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các công trình theo Nghị quyết số 83/NQ-HĐND, ngày 08-12-2021 của HĐND tỉnh; các công trình kết nối liên vùng như đường Vành đai 3, 4 TP.HCM. “Những dự án, công trình giao thông này sẽ mở ra nhiều động lực lớn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển KT-XH” - ông Đặng Hoàng Tuấn bày tỏ.

Nâng cao chất lượng hoạt động vận tải và đào tạo, sát hạch lái xe

Thông tin từ Sở GTVT Long An, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 366 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trong đó, có 4 loại hình vận tải hành khách đang hoạt động. Sở triển khai các văn bản pháp luật của Nhà nước quy định về hoạt động vận tải; tiến hành thanh, kiểm tra các đơn vị vận tải, các bến xe khách về việc thực hiện các quy định trong hoạt động vận tải. Đồng thời, Sở quản lý và giám sát các phương tiện thông qua hệ thống giám sát hành trình và hệ thống camera gắn trên phương tiện; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý vận tải.

Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải  Long An
phối hợp cảnh sát giao thông kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự, ATGT

Nhìn chung, hoạt động vận tải ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động. Đặc biệt, từng bước chuyển đổi các tuyến vận tải hành khách cố định sang tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt, góp phần giảm chi phí cho chủ phương tiện (đã chuyển đổi được 3 tuyến vận tải hành khách cố định sang tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt). Việc cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi phù hiệu phương tiện được thực hiện thông qua phần mềm quản lý vận tải của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, góp phần giảm thời gian và chi phí cho đơn vị vận tải.

“Mạng lưới tuyến vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh dần được hoàn thiện, các tuyến vận tải được kết nối với nhau góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, điều hành của các đơn vị vận tải được đào tạo chuyên sâu. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe được tập huấn về đạo đức và nghiệp vụ theo quy định. Qua đó, chất lượng phục vụ hành khách đi xe được nâng cao” - ông Đặng Hoàng Tuấn đánh giá.

Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở đào tạo lái xe. Sở GTVT Long An thường xuyên theo dõi, yêu cầu các cơ sở tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX). Sở phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe. Từ đó, kịp thời điều chỉnh lưu lượng đào tạo lái xe cho các cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu học, sát hạch cấp GPLX của người dân trên địa bàn tỉnh. Sở GTVT triển khai, thực thiện đúng lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của Bộ GTVT; luôn theo dõi, kiểm tra việc tổ chức đào tạo mới, đào tạo nâng hạng GPLX, bảo đảm thực hiện đúng quy định, đúng lưu lượng, thời hạn, địa điểm và hạng GPLX ghi trong giấy phép đào tạo lái xe.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 trung tâm sát hạch lái xe, gồm 1 trung tâm loại 1 (sát hạch lái xe từ hạng A3 đến hạng E) và 6 trung tâm loại 3 (sát hạch lái xe hạng A1). Sở GTVT Long An chỉ đạo phòng chuyên môn, cơ quan quản lý sát hạch thường xuyên theo dõi và chấn chỉnh, xử lý kịp thời những phát sinh trong quá trình tổ chức sát hạch nhằm bảo đảm cho các kỳ sát hạch được diễn ra nghiêm túc, khách quan, trung thực, đúng quy chế và hạn chế các tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình tổ chức sát hạch./.

Nguồn: Báo Long An

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)