Từ chuyến tàu đặc biệt đến foodtour ở nhà ga trăm tuổi

Thứ sáu, 14/10/2022 10:07 GMT+7

Ga Hải Phòng hơn 100 năm vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo, gần đây trở thành điểm đến hấp dẫn đón khách tới thành phố cảng.

Trải nghiệm thú vị

Hành khách nườm nượp tới ga Hải Phòng

Một năm qua, cái tên ga Hải Phòng nổi lên như một địa chỉ quen thuộc với những hành khách ưa du lịch, nhất là khi trào lưu du lịch foodtour (du lịch ẩm thực) Hải Phòng nở rộ.

Du khách hào hứng đi tàu hỏa từ Hà Nội tới Hải Phòng, ngoài trải nghiệm những món ăn nổi tiếng đất Cảng, ngay khi xuống tàu đã được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc đậm chất Pháp.

Đây được coi là một trong những nhà ga xe lửa đẹp nhất mà người Pháp để lại ở Việt Nam.

Chị Nguyễn Hải Linh, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ, nghe thông tin về tour du lịch “ngon, bổ, rẻ” ở Hải Phòng nên cả nhóm rủ nhau đi.

Từ Hà Nội đi du lịch Hải Phòng bằng tàu hỏa rất thuận lợi vì 2 ga đều ở trung tâm thành phố. Xuống tàu, cả nhóm bất ngờ trước vẻ đẹp của nhà ga Hải Phòng, những nét kiến trúc Pháp gần như vẹn nguyên tại đây, thậm chí chiếc đồng hồ gắn vào tường tồn tại hơn 100 năm vẫn hiện hữu.

“Mặc dù khách đông nhưng nhân viên nhà ga vẫn rất chu đáo. Sau khi xuống tàu, cả nhóm được phát miễn phí bản đồ “Hải Phòng lòng vòng ẩm thực” tại nhà chờ ga và chụp ảnh tại ga làm kỷ niệm. Tới ga Hải Phòng, chúng tôi chỉ phải bỏ ra 150.000 đồng có thể thuê xe máy đi lòng vòng cả ngày ở Hải Phòng. Đây thực sự là một trải nghiệm thú vị”, chị Linh cho hay.

Liên tiếp những kỷ lục

Ông Đặng Tiến Mạnh, Trưởng ga Hải Phòng cho biết, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại, du lịch của hành khách tăng cao, đặc biệt, tour ẩm thực đường phố Hải Phòng bằng tàu hỏa được các bạn trẻ quan tâm và yêu thích. Từ đầu tháng 4/2022 lượng khách di chuyển bằng tàu hỏa tăng 70 - 80% so với trước đó.

Một trong những yếu tố giúp lượt khách di chuyển bằng tàu hỏa tăng đáng kể là việc ga Hải Phòng kết hợp với Sở Du lịch Hải Phòng phát hành bản đồ foodtour và hướng dẫn miễn phí cho hành khách xuống tàu vào cuối tuần.

Nếu trước kia khi chưa có chương trình foodtour, lượng khách đi và đến Hải Phòng bằng tàu hỏa chỉ từ 200 - 300 khách/ tàu/ chuyến. Hiện tại, vào 3 ngày cuối tuần lượng khách đi - đến Hải Phòng tăng đột biến lên đến 2.000 lượt khách/ngày. Đây là con số cao kỷ lục trong những năm trở lại đây.

“Qua đây có thể thấy, người dân đã hứng thú trở lại với việc di chuyển bằng tàu hỏa, mức độ quan tâm của khách du lịch tới ẩm thực Hải Phòng. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho ngành đường sắt và ngành du lịch Hải Phòng.

Từ đầu năm 2022 tới nay, ga ghi nhận lượng hành khách kỷ lục. Đặc biệt, đợt nghỉ lễ 30/4 vừa qua ga Hải Phòng đã ghi nhận hơn 15.000 lượt khách đi bằng phương tiện đường sắt. Tới dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, ga tiếp tục lập những kỷ lục mới khi có những ngày đón tới 9.000 lượt khách”, ông Mạnh nói.

Chuyến tàu đặc biệt

Là người gắn bó mấy chục năm với ga Hải Phòng, với ông Phạm Tiến Mạnh, lịch sử nhà ga luôn là câu chuyện khiến ông hào hứng mỗi khi có người gợi nhớ.

Theo ông Mạnh, năm 1901, thực dân Pháp khởi công xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội dài 102km. Sau 1 năm đoạn đường này được hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ ngày 16/6/1902. Ga Hải Phòng cũng được người Pháp xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1902.


Để đảm bảo vận chuyển lượng hành khách lớn, ngành đường sắt tổ chức nối thêm toa vào các chuyến tàu, tăng cường tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Ga Hải Phòng cũng tập huấn, yêu cầu nhân viên tăng cường công tác phục vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch. Sự kết hợp giữa dịch vụ vận tải đường sắt và ngành du lịch giúp lượng hành khách tàu hỏa từ đầu năm tới nay rất khả quan và chúng tôi sẽ cố gắng phục vụ tốt nhất để duy trì đà tăng trưởng này.

Ông Đặng Tiến Mạnh, Trưởng ga Hải Phòng

Trước khi tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội được đưa vào khai thác, việc đi lại giữa Hà Nội và Hải Phòng chủ yếu bằng đường thủy theo tuyến sông Hồng và tuyến đường bộ vô cùng khó khăn, mùa mưa phải mất 18 giờ, mùa cạn phải mất 24 - 48 giờ. Khi đường sắt được khai thông thì việc đi lại giữa hai địa phương chỉ mất 4 giờ.

Đường sắt Hải Phòng - Hà Nội được đưa vào khai thác đã trở thành một chiếc cầu nối liền nhiều vùng của đất nước, nối vào tuyến đường Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, trao đổi thương mại, văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Hơn 100 năm tuổi, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử.

Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, các thế lực ngoại bang và bọn phản động trong nước lại có mưu đồ đô hộ đất nước ta một lần nữa. Trong tình thế thù trong giặc ngoài, ngày 31/5/1946, Bác Hồ sang Pháp mở cuộc đấu tranh ngoại giao để giữ gìn nền độc lập non trẻ.

Tháng 10/1946, Bác Hồ về nước bằng tàu biển cập Cảng Hải Phòng, rồi tới ga Hải Phòng để đi đường sắt về Hà Nội. Sau khi dự buổi mít tinh với nhân dân TP Hải Phòng tại vườn hoa Sông Lấp, Bác đi xe thẳng ra ga Hải Phòng.

Tàu kéo một hồi dài và chuyển bánh, đồng bào Hải Phòng lưu luyến vẫy tay tạm biệt Bác. Bác ra tận cửa đứng vẫy tay chào đáp lại tấm lòng của bà con đất Cảng.

Tàu chạy đến đâu, nhân dân tụ tập vẫy tay hoan hô ở đấy. Không khí dọc đường 5 trong ngày 21/10 đến nay vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người dân thành phố cảng.

Sự kiện Bác Hồ đi chuyến xe lửa đặc biệt từ thành phố Cảng an toàn về tới Thủ đô Hà Nội đã có ý nghĩa sâu sắc đối với nhân dân hai bên đường 5 (Quốc lộ 5 bây giờ).

Chuyến đi đó để lại ấn tượng sâu sắc với Bác, để sau đó, Bác gửi thư cho các cháu thiếu nhi nói lên niềm xúc động: “Khi Bác về đến Tổ quốc, từ Hải Phòng đến Hà Nội, các cháu đem nhau đi đón Bác, có lẽ hơn 10 vạn cháu. Tay cầm cờ đỏ sao vàng, đứng ngập hai bên đường, hai bên bờ ruộng. Reo cười, ca hát vui vẻ như một đàn chim”.

Sau sự kiện đón Bác Hồ về nước, ga Hải Phòng còn là nơi ghi dấu ấn cuộc chiến đấu cam go, khốc liệt khi thực dân Pháp bội ước, nhân dân Hải Phòng cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.

Từ năm 1955, khi TP Hải Phòng được giải phóng, chính quyền cách mạng tiếp quản ga Hải Phòng. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước hàng triệu tấn vũ khí, nhu yếu phẩm của các nước XHCN cập cảng Hải Phòng để rồi tới ga Hải Phòng để những đoàn tàu chở đi phục vụ công cuộc kháng chiến.

Hồi ký của ông Hà Đăng Ấn - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt - người có mặt trên chuyến tàu đặc biệt đưa Bác Hồ từ Hải Phòng về Hà Nội ngày 21/10/1946 đã kể lại: “Sự kiện Bác đi tàu từ Hải Phòng về Hà Nội ngày 15/10/1946 đã được ngành Đường sắt lấy làm ngày truyền thống của ngành và luôn là niềm tự hào của cán bộ công nhân viên ngành đường sắt”.

 

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)