Đường sắt đô thị dần thể hiện ưu điểm

Thứ hai, 24/10/2022 08:44 GMT+7

Từ khi chính thức khai thác vào cuối năm 2021 đến nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ngày càng thu hút nhiều hơn người dân sử dụng. Sau gần một năm vận hành an toàn, đường sắt đô thị đã dần thể hiện ưu điểm; đồng thời, từng bước xây dựng văn hóa đi tàu với người tham gia giao thông.

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, từ tháng 11/2021 (thời điểm bắt đầu vận hành thương mại) đến nay, tuyến đường sắt này đã vận chuyển khoảng 6,5 triệu lượt hành khách. Đặc biệt, từ đầu tháng 10/2022, sinh viên bắt đầu nhập học, lượng khách tăng 15% so với tháng liền trước, ngày cao điểm đạt hơn 31.500 hành khách. Trong đó, 70% hành khách sử dụng thường xuyên bằng vé tháng để đi học, đi làm. Lưu lượng hành khách vào giờ cao điểm hiện nay đạt 5.000-6.000 lượt khách. Việc lượng hành khách tăng cao đã là minh chứng cho ưu điểm của đường sắt đô thị đó là an toàn, tiện nghi, nhanh chóng, đúng giờ.

Đường sắt đô thị dần thể hiện ưu điểm  

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ngày càng thu hút hành khách

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro nhấn mạnh, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông được đưa vào hoạt động đã giúp thay đổi thói quen đi lại của người dân. Nhiều người dân đã hình thành thói quen đi bộ 1-2km để tiếp cận đến các nhà ga đường sắt. Đồng thời, từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại. Hanoi Metro đã xây dựng được đội ngũ quản lý, vận hành, là lực lượng nòng cốt để sắp tới vận hành các tuyến đường sắt đô thị khác như tuyến Nhổn-ga Hà Nội, giảm dần việc sử dụng chuyên gia nước ngoài. Ngoài ra, còn có thể sẵn sàng hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, đơn vị vận hành, khai thác luôn lắng nghe, nghiên cứu nhu cầu và đặc tính đi lại của hành khách, từ đó, điều chỉnh thời gian, tần xuất, dịch vụ cho phù hợp với thực tế. Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận với xe buýt và nhà ga đường sắt, có chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng. Ví dụ, quãng đường dài thì trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít, vé tháng được kích hoạt trong 30 ngày cho những người thường xuyên sử dụng và có vé ngày dành cho người dân đi trải nghiệm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối hệ thống xe buýt công cộng và đường sắt đô thị. Khai thác tối đa tiềm năng thương mại của tuyến, tập trung dịch vụ cho hành khách.

Ông Vũ Hồng Trường chia sẻ, càng ngày văn hóa đi tàu đường sắt đô thị của người dân càng hoàn thiện, không còn cảnh xếp hàng chen lấn khi mua vé, xả rác bừa bãi... Xây dựng văn hóa sử dụng các loại dịch vụ công cộng là quá trình cần thực hiện liên tục. Trước tiên, bắt đầu từ xây dựng văn hóa cho chính đội ngũ phục vụ. Từ những hành động của nhân viên sẽ nêu gương cho hành khách đi tàu, dần hình thành thói quen văn minh, lịch sự khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Bên cạnh đó, cần ban hành bộ quy tắc ứng xử cho hành khách đi tàu như không xả rác, vệ sinh đúng quy định, nhường chỗ cho người già... Từ những hành động nhỏ nhất sẽ giúp văn hóa tham gia giao thông được lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng xã hội.

Nguồn: Báo QĐND

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)