Lào Cai: Sửa chữa hạ tầng giao thông sau mưa lũ - Những khó khăn cần tháo gỡ

Thứ hai, 31/10/2022 15:22 GMT+7

Thời gian qua, việc sửa chữa, khắc phục sạt lở do ảnh hưởng của mưa lũ tại các tuyến đường tỉnh và đường huyện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc do phải thực hiện quy trình đấu thầu thi công cũng như phải chờ thực hiện theo thủ tục công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 966 km, cùng hơn 900 km đường huyện. Tính từ đầu mùa mưa lũ năm 2022 đến nay, trên các tuyến đường tỉnh xảy ra 477 vị trí sạt lở taluy dương với khối lượng hơn 40 nghìn m3 đất đá; 21 vị trí sạt lở taluy âm với khối lượng gần 300m3; 73 điểm nền đường, mặt đường bị xói lở trên 10,5 nghìn m2 và hàng trăm điểm rãnh nước, cống thoát nước bị hỏng. Tổng kinh phí thiệt hại ước hơn 15 tỷ đồng.

Một điểm sạt lở trên Tỉnh lộ 160 từ xã Xuân Thượng đi xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên

Được biết, việc khắc phục ban đầu các điểm sạt lở nhằm đảm bảo giao thông bước một đối với các tuyến đường tỉnh, huyện đã được các đơn vị bảo trì triển khai kịp thời. Tuy nhiên, việc triển khai khắc phục đối với các điểm sạt lở khối lượng lớn, điểm hỏng nghiêm trọng đang chậm tiến độ và gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện các bước đấu thầu theo Thông tư 43 ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ và phải chờ UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai...

Tuyến Tỉnh lộ 151, từ thị trấn Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng) đi ngã ba Khe Lếch, thuộc địa phận xã Sơn Thủy (huyện Văn Bàn) là tuyến giao thông trọng điểm với lưu lượng phương tiện vận tải và người dân đi lại khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay, tuyến đường được đánh giá tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, bởi trên tuyến này đang có 59 điểm sạt lở taluy dương với khối lượng đất, đá gần 4.000 m3 và 1 điểm sạt lở taluy âm lấn mặt đường (dài gần 10m, rộng 4m).

Bà Đặng Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết: Sau đợt mưa lũ từ đầu tháng 5 đến nay, đoạn Tỉnh lộ 151 đi qua địa bàn xã có hàng chục điểm sạt lở với khối lượng đất đá hàng trăm m3 và 1 điểm sạt lở nền đường khá lớn. Đến nay, đơn vị bảo trì và ngành giao thông vận tải - xây dựng vẫn chưa có biện pháp khắc phục, gây nhiều khó khăn và nguy hiểm cho việc đi lại của Nhân dân và các phương tiện vận tải.

Không chỉ có Tỉnh lộ 151 mà trên địa bàn huyện Văn Bàn còn tuyến Tỉnh lộ 151B từ xã Võ Lao đi xã Nậm Mả - Hoà Mạc cũng đang bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ gây ra với 42 điểm sạt lở taluy dương và 19 điểm xói trôi mặt đường gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của nhân dân nhưng công tác khắc phục vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Theo ông Nguyễn Sỹ Trọng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức - đơn vị quản lý, bảo trì tuyến Tỉnh lộ 151, cho biết: Không chỉ có Tỉnh lộ 151 mà hiện nay, trên 3 tuyến  khác là Tỉnh lộ 151B, 151C, 162 do đơn vị đảm nhiệm việc quản lý, bảo trì đang gặp nhiều khó khăn trong khắc phục, sửa chữa các điểm sạt lở.

Tính từ đầu mùa mưa lũ đến nay, trên các tuyến đường này xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở. Hiện nay, đơn vị mới chỉ được xử lý, khắc phục một phần các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông tạm thời. Để triển khai sửa chữa triệt để, nhất là đối với các điểm sạt lở lớn thì phải thực hiện quy trình đấu thầu thi công, cũng như phải chờ UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, khiến cho tiến độ khắc phục bị chậm. Bên cạnh đó, công ty cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc về vị trí đổ thải, tìm nguồn vật liệu để bù mặt đường các đoạn sạt lở do mưa lũ…

Trên địa bàn thị xã Sa Pa có 2 tuyến đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thông và phục vụ du lịch là Tỉnh lộ 152 (Sa Pa - Bản Hồ) và Tỉnh lộ 155 (Sa Pa - Bát Xát). Do ảnh hưởng của mưa lũ, 2 tuyến đường này đang xuất hiện gần 100 điểm sạt lở và xói lở nền đường, chưa được xử lý triệt để. Việc triển khai khắc phục của các đơn vị bảo trì vẫn chậm trễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương.

Ông Trần Trọng Thông, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa đề nghị: UBND tỉnh cần có cơ chế để các đơn vị bảo trì đẩy nhanh tiến độ xử lý sạt lở trên các tuyến Tỉnh lộ 152 và 155. Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải - xây dựng cần khẩn trương phối hợp với thị xã xây dựng quy hoạch chi tiết các vị trí bãi đổ thải, đồng thời yêu cầu các đơn vị bảo trì tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị khẩn trương thi công các vị trí sạt lở, bổ sung biển báo tại các vị trí sạt lở để cảnh báo người dân đi lại an toàn.

Theo ông Trần Xuân Hiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, trước những khó khăn, vướng mắc trong triển khai khắc phục sạt lở hư hỏng hạ tầng đường bộ, vừa qua, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường tỉnh do ảnh hưởng các đợt mưa, lũ.

Đối với các vị trí sạt lở nhỏ thì các đơn vị được giao quản lý bảo trì sẽ thực hiện ngay việc dọn đất, đá tràn lấp mặt đường, rãnh thoát. Còn đối với các điểm sạt lở, hư hỏng lớn, UBND tỉnh cho phép lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu.

Việc khắc phục hậu quả sạt lở trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện đang đặt ra rất cấp bách, cần sự vào cuộc của các ngành liên quan. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị bảo trì đường bộ cần tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả trên các tuyến đường nhằm bảo đảm giao thông, góp phần phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông cho người dân trong khu vực.

 

Nguồn: Báo Lào Cai

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)