Ðể cụ thể hoá các mục tiêu quan trọng của chiến lược, địa phương xác định, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là nhiệm vụ then chốt.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: “Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT được quan tâm, thực hiện có chiều sâu, lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt chi, tổ, hội của đoàn thể cấp cơ sở”.
Theo đó, trong những tháng đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 03/CT-Tg ngày 16/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NÐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trên các cơ quan báo, đài của tỉnh, đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn. Ðặc biệt là tuyên truyền về các hành vi vi phạm thường gặp trong dịp lễ, tết như: vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy...; cảnh báo nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (TNGT), các biện pháp phòng tránh TNGT.
Lực lượng chức năng tiến hành dừng kiểm tra phương tiện.
Phối hợp với Hội Cựu chiến binh tuyên truyền lồng ghép vào sinh hoạt hội ở cơ sở, tổ chức 8 lớp tập huấn về kiến thức ATGT cho hơn 9.000 cán bộ, hội viên tham dự; phối hợp với Hội Nông dân, Tỉnh đoàn tuyên truyền về ATGT, trao tặng 370 mũ bảo hiểm, phát tờ rơi tuyên truyền về ATGT…; hỗ trợ Sở Giáo dục và Ðào tạo trang bị 3.800 quyển sách Văn hoá giao thông cho học sinh khối THCS.
Ông Nguyễn Thanh Bằng cho biết thêm: “Lực lượng chức năng kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, đồng thời nhắc nhở 1.456 hộ mua bán lấn chiếm lòng, lề đường; kết hợp giữa xử lý và tuyên truyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa cho hơn 3.006 lượt người; tuyên truyền trực tiếp cho 464 chủ bến khách, 552 phương tiện thuỷ nội địa; 3.631 lượt người về tham gia giao thông trên phương tiện thuỷ phải mặc áo phao cứu sinh”.
Ông Quách Phát Ðể, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó trưởng ban ATGT huyện Thới Bình, cho biết: “Nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, địa phương đã tổ chức, triển khai quyết liệt các giải pháp quan trọng. Bên cạnh nhiều hoạt động chuyên môn được triển khai, địa phương luôn chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Hoạt động thông tin, tuyên truyền không ngừng được đổi mới về hình thức, huy động tối đa lực lượng tham gia”.
Bên cạnh nhóm giải pháp được thực hiện theo thẩm quyền, đẩy mạnh kiểm soát, xử lý vi phạm, Công an TP Cà Mau còn chỉ đạo lực lượng khi làm nhiệm vụ kết hợp tuyên truyền cho người vi phạm hiểu về những lỗi vi phạm của bản thân, nhằm tránh tái phạm. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông còn phân công cán bộ phụ trách phối hợp với các trường học trên địa bàn duy trì hoạt động tuyên truyền vào các buổi chào cờ, nội dung tập trung vào những lỗi vi phạm phổ biến: chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện không đúng độ tuổi quy định, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm phần đường...
Theo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình hình trật tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp. Thực tế này đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Ðặc biệt là yêu cầu đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và xây dựng văn hoá của người tham gia giao thông.
Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu hàng năm giảm 5-10% số người chết và bị thương do TNGT đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện và hiệu quả. Chiến lược đề ra 9 nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp tuyên truyền, giáo dục về an ATGT.
“Nhằm cụ thể hoá chiến lược quốc gia về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, với mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự ATGT, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hoá giao thông trong cộng đồng; giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hàng năm, địa phương xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp then chốt. Trong đó, hoạt động tuyên truyền đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; phải đổi mới về nội dung và hình thức, bám sát vào từng nhóm đối tượng cụ thể...”, ông Nguyễn Thanh Bằng nhấn mạnh./.