Cà Mau: Áp lực duy tu hạ tầng giao thông

Thứ tư, 09/11/2022 09:52 GMT+7

Ðường nhỏ, thời gian dài sau khi đưa vào sử dụng chưa được nâng cấp, lại trong điều kiện phải chịu tác động của thiên tai, thời tiết… đã khiến công tác duy tu, sửa chữa trở thành áp lực thật sự cho chính quyền các cấp, nhất là nguồn kinh phí.

Dù xuất phát điểm thấp, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhưng đến thời điểm này 100% xã đã có đường ô-tô về trung tâm. Ðặc biệt, toàn tỉnh hiện có 4.693 tuyến đường các loại với tổng chiều dài khoảng 15.093 km. Các tuyến đường này được kết nối với nhau từ tỉnh đến huyện, xã và đấu nối với 5 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, tạo thành mạch giao thông liên hoàn phục vụ sản xuất, vận tải hàng hoá và nhu cầu đi lại của người dân. 

Nâng cấp tuyến lộ kênh xáng Láng Trâm (đoạn thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình).

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên nhiều tuyến đường được đầu tư nhỏ và khá lâu không được nâng cấp, cùng với việc phải chịu tác động của thiên tai, thời tiết, nhất là tình trạng ngập úng cục bộ do mưa lớn, triều cường, sạt lở ven sông… đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, tiêu biểu là các dự án đường ô-tô về trung tâm xã trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ nguồn trái phiếu Chính phủ từ trước năm 2010, đến thời điểm này đã trải qua thời gian khá lâu mà chưa được nâng cấp nên đang trong tình trạng xuống cấp và hư hỏng nặng. Nhiều trục đường đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở bờ sông.

Như trên địa bàn huyện Ðầm Dơi, vào ngày 11/8, tuyến đường về trung tâm xã Nguyễn Huân, đoạn trên địa bàn xã Tân Tiến, một đoạn lộ nhựa gần 20 m đã bị sụp hoàn toàn xuống sông, khiến giao thông bị chia cắt cục bộ. Ðược biết, đây là tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở và hiện nay vẫn đang trong tình trạng bị đe doạ bởi sạt lở.

Hay như trước đó, vào khoảng tháng 6/2021, trên tuyến kênh xáng Lộ Xe, đoạn từ cầu Tân Lợi đến cầu Tân Ðức nằm trên trục đường ô tô về trung tâm xã Tân Tiến liên tục xảy ra sạt lở. Các vụ sạt lở này làm cho nhiều đoạn có một phần mặt đường nhựa bị sụp hoàn toàn xuống sông, giao thông chia cắt cục bộ trong thời gian chờ mở rộng mặt đường về phía bên trong.

Không chỉ có huyện Ðầm Dơi mà hàng loạt các huyện khác như Năm Căn, Cái Nước, Phú Tân… tình trạng sạt lở đang tiếp tục đe doạ nhiều tuyến giao thông, nhất là giao thông nông thôn. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có 104 vị trí ven sông bị sạt lở với tổng chiều dài 2.398 m, làm thiệt hại hơn 806 m lộ bê tông và 22 m lộ nhựa.

Trên địa bàn TP Cà Mau, nhiều tuyến đường cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tiêu biểu có thể kể như tuyến đường Mậu Thân và tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (đoạn từ cầu Huỳnh Thúc Kháng hướng về xã Hoà Thành). Các tuyến đường này hiện nay xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông cũng như vận tải hàng hoá của người dân và doanh nghiệp. Ðặc biệt, sau những cơn mưa lại xuất hiện tình trạng ngập cục bộ những ổ gà, ổ voi biến chúng trở thành "cái bẫy" rình rập người lưu thông. Và thực tế, đã có không ít vụ té ngã, tai nạn giao thông xảy ra trên những tuyến đường này.

Ðó chỉ là những tuyến tiêu biểu trong hàng loạt các tuyến đường trên địa bàn tỉnh cần sớm được nâng cấp, sửa chữa. Ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết, vốn phục vụ cho công tác duy tu, sửa chữa giao thông hàng năm đều thiếu so với nhu cầu thực tế. Cuối năm 2018, sở đã tiến hành rà soát từng tuyến đường theo yêu cầu của các huyện để xác định mức độ duy tu, sửa chữa. Tuy nhiên, do ngân sách không đảm bảo, nguồn vốn hàng năm được phân bổ cho công tác duy tu, sửa chữa giao thông còn quá xa so với nhu cầu thực tế. Mà càng để lâu thì đường phát triển ngày càng nhiều, tức nguồn vốn lại càng lớn.

“Ngoài ra, do các tuyến đường của tỉnh hiện nay thuộc diện quy mô nhỏ, tức tuổi thọ ngắn, từ đó thời gian duy tu, sửa chữa cũng ngắn theo, đây là một áp lực lớn cho ngân sách, hàng năm chủ yếu là “liệu cơm gắp mắm”. Trước những khó khăn về kinh phí nên giải pháp trước mắt là các huyện cần đặc biệt quan tâm công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên, hạn chế để xảy ra hư hỏng nặng; như vậy mới đảm bảo vừa giảm chi phí vừa kéo dài tuổi thọ của các tuyến đường”, ông Tất phân tích thêm.

Liên quan đến công tác quản lý thường xuyên, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, đã từng đánh giá, công tác quản lý thường xuyên thời gian qua triển khai chưa được tốt, đặc biệt là cấp huyện gần như bỏ ngỏ. Các tuyến đường về trung tâm xã có rất nhiều tuyến hai bên đường không được phát cỏ, không thoát nước và cả giao thông nông thôn cũng không được quan tâm.

Việc quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên là yêu cầu vô cùng quan trọng, bởi nếu giao thông tắc kéo theo nhiều hoạt động khác cũng tắc. Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính tiếp tục rà soát các nguồn ngân sách để nâng nguồn vốn phục vụ công tác duy tu, sửa chữa lộ nông thôn. Theo đó, thời gian tới tiếp tục sử dụng các nguồn vốn xổ số kiến thiết, các nguồn thu vượt để bổ sung. Tuy nhiên, với nhiệm vụ trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Các huyện, xã tăng cường công tác quản lý thường xuyên, nhất là vào mùa mưa. Ðồng thời, Sở Giao thông vận tải tiến hành thống kê, rà soát để từ đó xây dựng đề án nâng cấp các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh".

Nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông đang là nhu cầu cấp thiết và vô cùng quan trọng, bởi vừa đảm bảo lưu thông, vừa đảm bảo nâng tải trọng để vận chuyển hàng hoá, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song song đó, công tác quản lý, duy tu, sửa chữa cần được tăng cường giải pháp khoán. Thời gian qua tỉnh đã cho thí điểm giải pháp khoán trong duy tu, sửa chữa lộ giao thông và được đánh giá mang lại hiệu quả cao.

Ðể có được hạ tầng giao thông như hiện nay là sự góp sức từ rất nhiều nguồn lực, trong đó có một phần không nhỏ từ người dân và doanh nghiệp. Ðể các tuyến đường luôn trong tình trạng thông suốt và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, sinh hoạt, vận tải hàng hoá... cần tiếp tục có sự chung tay góp sức của toàn xã hội./.

Nguồn: Báo Cà Mau

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)