Hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía Đông được quan tâm đầu tư
Từng bước hoàn thiện
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gò Công Đông, trong định hướng phát triển, địa phương tập trung vào 02 lĩnh vực chính là từng bước hoàn chỉnh hạ tầng đồng bộ và thu hút đầu tư. Do đó, địa phương đã tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Trong 03 năm gần đây (2020 - 2022), tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện là hơn 334 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 05 tuyến đường tỉnh đi qua với tổng chiều dài 50,03 km; 12 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 90,867km, tất cả đã được nhựa hóa toàn bộ.
Ngoài ra, huyện đã triển khai thi công và hoàn thành các tuyến đường như: Đường nối Đường tỉnh 871 vào đường Bắc Cần Lộc; đường tránh Tân Tây. Tỉnh cũng quan tâm đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường mang tính động lực trên địa bàn như: Đường nối Đường tỉnh 871 vào Cảng cá Vàm Láng; Đường tỉnh 871B nối vào Cụm công nghiệp (CCN) Gia Thuận; nâng cấp Đường tỉnh 873B; đường nối Đường tỉnh 871 vào Đường tỉnh 871B; đường nối Đường tỉnh 873B vào Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định… Điều này đã góp phần giúp hệ thống giao thông của huyện được đồng bộ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
So với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hệ thống hạ tầng giao thông của huyện Tân Phú Đông còn nhiều khó khăn. Xác định giao thông phải đi trước mở đường, dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, huyện đã huy động nhiều nguồn lực để tập trung đầu tư. Theo ông Lê Thanh Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông, thời gian qua, địa phương đã được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 877B theo từng đoạn. Đồng thời, huyện cũng đầu tư mở rộng các tuyến Đường huyện như: 84D (đường dẫn vào bến phà Tân Phú - Tân Thạnh); 84B (đường vào bến phà Vàm Giồng); 83C (xã Tân Thạnh)… và nhiều tuyến đường nông thôn liên xã, ấp. Điều này giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn.
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang, qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngành GTVT đã đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng phía Đông đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đối với dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn, Sở GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, Bộ GTVT hoàn thành trải thảm bê tông nhựa nóng mặt đường và xây dựng hệ thống thoát nước trên tuyến Quốc lộ 50; đang triển khai Dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.
Đối với hệ thống đường tỉnh, ngành GTVT đã thi công hoàn thành các dự án như: Đường tỉnh 871B kết nối Quốc lộ 50 với các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp tại vùng; Đường tỉnh 872B kết nối Quốc lộ 50 với bến phà Tân Long qua huyện Tân Phú Đông; mở rộng Đường tỉnh 877B đoạn qua trung tâm huyện Tân Phú Đông và đoạn từ giao Đường huyện 23B đến giao Đường huyện 84; xây dựng cầu Bình Xuân trên Đường tỉnh 873; Đường tỉnh 871B kết nối Quốc lộ 50 với CCN Gia Thuận. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng đã cơ bản hoàn chỉnh.
Cơ hội mới
Trên thực tế, dù hệ thống hạ tầng giao thông vùng phía Đông đã cơ bản hoàn chỉnh, nhưng việc triển khai các dự án trọng điểm, tạo điều kiện kết nối vùng là một trong những định hướng phát triển quan trọng tới đây.
Theo ông Lê Thanh Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông, để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, trong thời gian tới, huyện Tân Phú Đông sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến Đường tỉnh 877B từ bến phà Bình Ninh (xã Tân Thới) đến ngã 3 xã Phú Tân.
Hiện nay, chỉ còn đoạn từ ngã 3 đường vào Trung tâm hành chính huyện đến ngã 3 xã Phú Tân là chưa được đầu tư mở rộng. Hiện địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh khảo sát để lập hồ sơ tư vấn. Theo khái toán, đoạn đường này có tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Với việc Đường tỉnh 877B được đầu tư mở rộng toàn tuyến sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển. Trước hết là tạo sự kết nối vùng, phục vụ đi lại, sản xuất cho người dân. Bên cạnh đầu tư mở rộng Đường tỉnh 877B, huyện Tân Phú Đông định hướng sẽ đầu tư một tuyến đường từ ngã 3 xã Phú Tân đến khu vực Cồn Cống. Đây là tuyến đường động lực kết nối khu dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao 352 ha và 28,7 ha huyện đang kêu gọi đầu tư.
Một dự án quan trọng nữa sẽ được đầu tư trong thời gian tới là cầu bắc qua xã Tân Thạnh. Công trình sẽ được tỉnh đầu tư trong năm 2023, dự kiến quý I/2024 sẽ hoàn thành.
Còn theo ông Bạch Công Quang, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gò Công Đông, trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành tỉnh triển khai hoàn thành các dự án giao thông đã được phê duyệt và đang triển khai như: Đường giao thông phục vụ công nghiệp phía Đông, Đường tỉnh 864…
Song song đó, huyện đã tích hợp và đề xuất vào trong quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với 25 danh mục công trình giao thông đầu tư trong giai đoạn 2021- 2025, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.110 tỷ đồng. Theo đó, huyện đề xuất đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh, huyện nhằm nâng chất lượng phục vụ, kết nối với thị xã Gò Công để phát triển đồng bộ. Đặc biệt, trong giai đoạn này huyện tập trung đề xuất đầu tư các tuyến như: Đường vành đai phía Bắc thị trấn Vàm Láng (từ Cảng cá Vàm Láng cũ đến Đường huyện 10); đường phía Bắc Đường tỉnh 871 (điểm đầu tại Đường huyện 02, điểm cuối tại Đường huyện 10).
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, trong thời gian tới, để tạo động lực phát triển cho vùng phía Đông, ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các dự án giao thông như: Nâng cấp các công trình Đường tỉnh 862, 871, 871C đoạn qua địa bàn thị xã Gò Công để góp phần xây dựng thành phố Gò Công đến năm 2025; Đường tỉnh 873 (mở mới đoạn từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50); nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 877B (từ Bình Ninh đến Tân Long). Hiện nay, ngành GTVT cũng đang triển khai các dự án như: Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) từ thành phố Mỹ Tho đến biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông); Đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông; Đường tỉnh 877C (từ Đường tỉnh 879D đến Đường tỉnh 877 và cầu qua kênh Chợ Gạo); tuyến đường bộ ven biển…
Ngành GTVT sẽ tập trung phát triển hệ thống giao thông thủy và logistics kết nối vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, ngành GTVT sẽ tập trung khai thác tối đa lợi thế tiềm năng vận tải bằng đường thủy trên các tuyến sông Tiền, Vàm Cỏ, Soài Rạp, kinh Chợ Gạo... Đồng thời, phát triển hệ thống cảng chuyên dùng, cảng biển tổng hợp và hệ thống bến thủy nội địa phục vụ phát triển vùng công nghiệp phía Đông; nâng cao năng lực vận tải hành khách bằng đường thủy.