Đồng chí Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, sau hơn 2 tháng đồng loạt ra quân triển khai công tác giải tỏa, lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ tại 9 huyện và thành phố Nam Định đã đạt được những kết quả cơ bản theo mục tiêu Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 24-6-2022 của UBND tỉnh.
Giải toả vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ tại khu vực thị trấn Cồn (Hải Hậu).
Hiện nay, theo phân cấp Sở GTVT được giao quản lý 4 đoạn tuyến Quốc lộ gồm 21, 21B, 37B, 38B đi qua tỉnh và các tuyến đường tỉnh; Cục Quản lý Đường bộ I quản lý đoạn Km85+600 - Km94+070 trên các Quốc lộ 10, 21B; UBND các huyện và thành phố quản lý các tuyến đường đô thị, địa phương trên địa bàn. Ngành GTVT và các cấp, ngành, địa phương xác định việc lập lại kỷ cương, quản lý hành lang ATGT đường bộ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian qua. Trước khi thực hiện giải tỏa vi phạm, Sở GTVT, các đơn vị quản lý quốc lộ đã phối hợp cùng UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê, lập biên bản cụ thể các hành vi vi phạm gồm: xây tấm trượt bằng bê tông làm lối lên xuống từ mặt đường lên vỉa hè trùm rãnh dọc; xây dựng các công trình tường rào, mái vẩy, lán tạm ảnh hưởng tầm nhìn của người đi đường và mất mỹ quan đô thị; lắp đặt, treo biển hiệu, biển cửa hàng, biển quảng cáo trái phép trong phạm vi lòng, lề đường gây cản trở; họp chợ, bán hàng hóa trong phạm vi mặt đường, lề đường; trồng cây lớn tại lề đường làm che khuất tầm nhìn, mất an toàn trong mùa mưa bão.
Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang ATGT đường bộ được các cấp, các ngành, các đơn vị thông tin, tuyên truyền thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức nhằm tạo nên sự đồng thuận, ủng hộ. Tại một số địa phương nhân dân sinh sống dọc hai bên đường đã đồng loạt tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, phục hồi nguyên trạng lòng, lề đường để đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông và ATGT.
Triển khai Kế hoạch số 84/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố Nam Định và các đơn vị quản lý đường bộ ban hành trên 38 kế hoạch, phương án và văn bản đôn đốc chỉ đạo thực hiện bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, xây dựng lộ trình thực hiện từ rà soát, tuyên truyền, vận động đến tháo dỡ, cưỡng chế... có thời gian, lịch trình cụ thể, chi tiết, do đó có sự chuẩn bị chu đáo, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đối với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh Sở GTVT chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý quốc lộ, đường tỉnh phối hợp cùng UBND các xã, phường, thị trấn có tuyến đường đi qua thực hiện công tác rà soát, thống kê các vi phạm hành lang ATGT đường bộ cơ sở để chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và ra quân tổ chức thực hiện lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ.
Đối với các tuyến đường địa phương UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn rà soát, thống kê vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã làm cơ sở để các xã, phường, thị trấn thực hiện vận động, tuyên truyền, giải tỏa các công trình vi phạm, là căn cứ để UBND, Ban ATGT các huyện, thành phố và lực lượng của huyện kiểm tra, giám sát việc thực hiện của chính quyền các địa phương.
Các xã, phường, thị trấn sau khi thực hiện rà soát, thống kê vi phạm hoặc tiếp nhận thông tin vi phạm về hành lang ATGT đường bộ đã thông báo cho các chủ thể vi phạm để khắc phục. Trường hợp các cá nhân, tổ chức vi phạm không tự giác tháo dỡ, UBND cấp xã tổ chức cuộc họp mời các thành phần liên quan để thống nhất phương án tổ chức cưỡng chế giải tỏa cụ thể (số lượng người, số lượng phương tiện, ngày, giờ và địa điểm triển khai), chia thành các tổ để ra quân giải tỏa đồng loạt.
Chi cục Quản lý đường bộ I.7 bố trí cán bộ và lực lượng của đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với UBND cấp xã nơi có tuyến đường đi qua để thực hiện. Đơn vị quản lý đường bộ đã bố trí trên 30 ca máy xúc, xe tải, máy cắt tỉa cành cây, máy cắt cỏ và trên 195 lượt nhân công thực hiện.
Qua gần hơn 2 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch số 84/KH-UBND với sự phối hợp quyết liệt của các cấp, ngành và các huyện, thành phố, đơn vị quản lý đường bộ, sự vào cuộc, ủng hộ của đại đa số nhân dân sinh sống, kinh doanh dọc 2 bên đường đã thực hiện trên 40 ngày công, huy động gần 1.000 lượt nhân công, 400 ca máy các loại (máy xúc, cẩu, ô tô vận chuyển, máy phá bê tông) để giải tỏa vi phạm, lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến đường. Qua đợt cao điểm, toàn tỉnh đã giải tỏa 1.584 trường hợp vi phạm, tháo dỡ 659m2 ki ốt; 2.541m2 mái che; 214m tường rào; 2.312m tấm trượt lên xuống bằng bê tông; 765 biển quảng cáo; chặt, phát quang 1.872 cây làm ảnh hưởng tầm nhìn và 1.410 các trường hợp vi phạm khác (để vật liệu, buôn bán trong lòng lề đường, cột điện...).
Riêng huyện Hải Hậu đã thu hồi 1 tài sản vi phạm và giao cho UBND xã Hải Long quản lý (đất hành lang), UBND huyện Mỹ Lộc phối hợp với Công ty Quản lý Đường sắt Hà Ninh đóng 1 lối đi tự mở tại Km 72+170 (lý trình đường sắt) tại địa bàn xã Mỹ Thuận; huyện Trực Ninh đã đào, đắp 754.2m3 đất trong phạm vi hành lang ATGT đường bộ.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Sở GTVT tiếp tục đôn đốc, phối hợp các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT các tháng cuối năm và bảo vệ, chống tái lấn chiếm sau đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nắm vững các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang ATGT đường bộ. Tăng cường công tác tuần đường, tuần kiểm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hành lang an toàn đường bộ, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ hành lang ATGT đường bộ.
Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn xác định công tác quản lý, bảo vệ hành lang ATGT đường bộ là trách nhiệm và nhiệm vụ thường xuyên liên tục của địa phương mình. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải chỉ đạo và thực hiện nghiêm thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó đặc biệt là các hành vi lấn chiếm, xâm phạm hành lang ATGT đường bộ, gây nguy cơ mất ATGT, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ... trong phạm vi địa phương quản lý.
Tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích trong phạm vi hành lang ATGT đường bộ; điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ dân đã thực hiện hiến đất để làm đường. Yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo trì, bão dưỡng thường xuyên, tăng cường công tác tuần đường, tuần kiểm phát hiện kịp thời các vi phạm hành lang ATGT đường bộ, phối hợp UBND cấp huyện, cấp xã để giải quyết; bố trí đủ nhân lực, thiết bị phương tiện để phối hợp chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa hành lang ATGT đường bộ khi cần huy động.
Đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các Quốc lộ 10, 21B (đoạn Km85+600 - Km94+070); phối hợp tốt hơn, chặt chẽ hơn nữa với UBND các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và các xã, thị trấn trong công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ.